Kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An - Người thầy chuẩn mực
Ngày 20/11, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra Lễ kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020) do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức.
Lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh, quảng bá cuộc đời, sự nghiệp của người thầy kiệt xuất, được các thế hệ người Việt tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” - Người thầy chuẩn mực muôn đời.
Không chỉ tạc vào sử sách một tấm gương ngay thẳng, kiên trung, một đời không mưu cầu lợi lộc, Danh nhân Chu Văn An còn để lại những tư tưởng, triết lý giáo dục đậm tính nhân văn, đậm tinh thần Việt. Ông được các thế hệ người Việt tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” - người thầy chuẩn mực muôn đời; được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết vinh danh nhân kỷ niệm 650 năm Ngày mất (1370-2020).
Người thầy mẫu mực
Danh nhân Chu Văn An (1292-1370) tên thật là Chu An, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, ngay từ khi còn trẻ, ông đã nổi tiếng là người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, không mưu cầu danh lợi, dù từng đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), song không ra làm quan, mà về quê nhà mở trường dạy học. Thời đó trường học không có nhiều, phần lớn người dân chịu cảnh thất học, Chu Văn An đã mở trường dạy những người cầu học, chú tâm tới học trò nghèo có trí trau dồi kinh sách, hướng con người đến lễ nghĩa, nhân hậu, thanh tao. Trường có lớp, có thư viện, học trò lên đến ba nghìn người, nhiều người đỗ Tiến sĩ…
Danh tiếng của thầy giáo Chu Văn An vang xa. Đến thời vua Trần Minh Tông, ông được mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông coi việc học của cả nước và trực tiếp kèm cặp Thái tử. Sử sách ghi lại, thầy Chu viết Tứ thư thuyết ước, tóm tắt các bộ sách lớn: Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung làm giáo trình dạy học, mở mang trường lớp. Thời vua Trần Dụ Tông, chứng kiến chính sự rối ren, gian thần lộng hành, Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” xin vua trừng trị bảy gian thần, gây chấn động triều đình. Can gián bất thành, ông treo ấn từ quan, rời Kinh thành về vùng đất Chí Linh (tỉnh Hải Dương) dạy học, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân.
Sau khi mất, ông được phong tước là Văn Trinh Công, được đưa vào thờ tự tại Văn Miếu, nơi thờ tự của các bậc thánh hiền. Tên tuổi của ông đi vào lịch sử dân tộc như một bậc nho học tiêu biểu của nước Việt, một tấm gương sáng về đạo làm người, đạo làm thầy và đạo học. Bàn về Chu Văn An, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, biết giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc”.
Còn Sử gia Phan Huy Chú ca ngợi: “Làng nho nước Việt, trước sau chỉ có một ông, các người khác không ai so sánh được”. Nhiều di tích trên cả nước có liên quan đến ông, như đền thờ Chu Văn An ở huyện Thanh Trì; khu thờ Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (thành phố Hà Nội); đền thờ Chu Văn An ở Chí Linh (tỉnh Hải Dương)… đều gắn với uy danh người thầy cho thấy vai trò, vị trí của ông trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Phát huy truyền thống hiếu học, tinh thần “Tôn sư trọng đạo”
Dành trọn đời cho sự nghiệp dạy học với triết lý giáo dục có những tiến bộ vượt thời, không chỉ tác động tới nhiều thế hệ người Việt, mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực, Chu Văn An được coi là người thầy của mọi thời đại. Việc Chu Văn An trở thành danh nhân thứ tư của đất nước (sau Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Du) được UNESCO ra Nghị quyết vinh danh nhân kỷ niệm 650 năm Ngày mất, cho thấy sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam.
Phát huy truyền thống hiếu học, tư tưởng học không phân biệt giàu nghèo, học để làm việc và phụng sự đất nước của thầy giáo Chu Văn An, trong những năm qua, các di tích liên quan đến thầy giáo Chu Văn An luôn chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo cũng như đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản thông qua các hoạt động trưng bày, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về thầy giáo Chu Văn An.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, các hoạt động như thế cần tiếp tục được tổ chức nhiều hơn với đa dạng hình thức, góp phần bồi đắp niềm tự hào về truyền thống văn hóa, giáo dục của đất nước, khích lệ các thế hệ tích cực noi gương sáng của các bậc tiền nhân, say mê học tập, tu dưỡng, luyện rèn để trở thành người học trò giỏi, công dân tốt cho xã hội.
Còn theo Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, đẩy mạnh tôn vinh, tuyên truyền, giáo dục về Danh nhân Chu Văn An là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thành phố nói chung và của Trung tâm nói riêng. “Tối 20-11, Lễ kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020) do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tôn vinh, quảng bá cuộc đời, sự nghiệp của người thầy kiệt xuất, tiếp tục nhân lên những giá trị văn hóa giáo dục nước nhà. Đây cũng là vinh dự đặc biệt với những người đang gắn bó với nơi đây”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Nguyễn ThanhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.