Kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Hiện thực hóa "Khát vọng hóa rồng"

Địa phương
10:35 AM 10/10/2022

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển ngàn năm của Hà Nội, ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là mốc son lịch sử, bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua 68 năm với bao thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm, luôn biết tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới và phát triển.

Trong những ngày tháng lịch sử này, chúng ta lại nhớ về mốc son chói lọi 10/10/1954. Nhớ năm ấy, đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị Quân đội từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân. Tới 15 giờ, tại sân vận động Cột Cờ (đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay), Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Thấm nhuần tình cảm và ghi nhớ những lời chỉ bảo, căn dặn của Người, 68 năm sau ngày giải phóng, với sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân thành phố nên vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Hiện thực hóa "khát vọng hóa rồng" - Ảnh 1.

Chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022)

Kể từ mùa Thu của 68 năm trước cho đến nay, Hà Nội vẫn nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đưa thành phố hội nhập sâu rộng với thế giới. Truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn hiến, tinh thần quả cảm được hun đúc qua hai cuộc kháng chiến, với khát vọng vươn lên là nền tảng vững chắc góp phần tạo ra thế và lực để Hà Nội có bước chuyển mình mạnh mẽ như ngày hôm nay. Hơn bao giờ hết, Hà Nội luôn mang "khát vọng hóa rồng" với dáng vóc của một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, ngang tầm khu vực.

Hai năm qua, Hà Nội trải qua nhiều giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 cam go, đan xen nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt. Cùng với sự đồng thuận và chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, toàn thành phố đã nỗ lực, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh bằng nhiều giải pháp kiên trì, đúng hướng với quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép, nhiệm vụ kép". Một mặt thành phố quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, mặt khác tập trung, nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP. Hà Nội một cách chủ động, bài bản, nghiêm túc, sáng tạo, bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô đã khởi sắc. Hà Nội càng phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường của Nhân dân ta. Đây chính là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ giúp Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, không bao giờ chùn bước cho dù là thách thức như đại dịch COVID-19.

Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng cao. Hà Nội đã đạt được mức tăng trưởng GRDP trong 9 tháng năm 2022 là 9,69%. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%.

Kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Hiện thực hóa "khát vọng hóa rồng" - Ảnh 2.

Hà Nội nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển,xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.

Lãnh đạo thành phố đang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội, phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được kỳ vọng tạo không gian phát triển mới mang tính chiến lược, giải quyết một số tồn tại hiện nay của Thủ đô; khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Việc triển khai dự án quan trọng này chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 của 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì. Công tác cải cách hành chính được nâng cao, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Hà Nội (Chỉ số PAPI) có sự cải thiện nhanh (tăng 39 bậc so với năm trước); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) tăng 3 bậc.

Thành phố chú trọng công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm, chăm lo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả. Các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn.

Đặc biệt, ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045," cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc triển khai, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống trong sự mong chờ của người dân về những đổi thay của Thủ đô.

Có thể khẳng định, trên hành trình hướng tới tương lai phát triển bền vững, Hà Nội đã và đang không ngừng nỗ lực, gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như tinh thần Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Hà Nội với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước sẽ luôn phát huy được bản lĩnh, khí phách của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được thành phố xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp, xứng tầm là Thủ đô - trái tim của cả nước.

Văn Thịnh
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.