Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2021): Nhớ bài thơ “Núi đôi” – Bản tình ca đọng mãi!

Văn hóa
11:36 AM 23/07/2021

“… Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới, bữa anh sang…”. Trong cuộc đời sáng tác của Nhà thơ Vũ Cao, một người cầm bút phục vụ trong quân đội, bài thơ “Núi Đôi” là một sử thi kể lại chuyện tình bi tráng của anh bộ đội Trịnh Khanh và Nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc. Một câu chuyện tình có thật, một khúc tráng ca cách mạng lãng mạn, giàu nhân văn và cảm xúc.

Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2021): Nhớ bài thơ “Núi đôi” – Bản tình ca đọng mãi! - Ảnh 1.

Nhà thơ Vũ Cao - Tác giả của bài thơ Núi Đôi

Chuyện xảy ra vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp tại thôn Xuân Đoài (còn gọi là Xuân Dục - Đoài Đông, Lạc Long nay thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cạnh đó có ngọn Núi Đôi. Cuối mùa đông năm 1956, hòa bình lập lại trên miền Bắc được 2 năm, trong một chuyến công tác, Nhà thơ Vũ Cao đã nghe những người dân ở đây kể lại câu chuyện tình thiêng liêng và sự hi sinh anh dũng của Nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc, khiến ông vô cùng xúc động và cảm phục. Là một nhà thơ, ông đã hóa mình thành người chiến sĩ bộ đội Trịnh Khanh tìm đến ngôi mộ của Nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc, và từ đó tất cả mọi cảm xúc đã hình thành bài thơ "Núi Đôi".

Như chúng ta đã biết, tạo hóa đã ban phát cho con người một tình yêu, và yêu "cháy bỏng" trong mọi giai đoạn của cuộc sống. Nhưng tình yêu mãnh liệt nhất, đẹp nhất vẫn là tuổi mười bảy đôi mươi. Với niềm tự hào đó, vào đầu bài thơ tác giả đã khẳng định "Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng…". "…Lối ta đi giữa hai sườn núi/ Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi/ Em vẫn đùa anh sao khéo thế/ Núi chồng, núi vợ đứng song đôi…".

Nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã hối thúc lớp lớp thanh niên ra tiền tuyến. Họ đã tạm gác lại tình yêu đẹp đẽ để hiến dâng và bảo vệ quê hương đất nước của mình: "…Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới/ Ngõ Chùa cháy đỏ những thân cau/ Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn/ Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau…". Trong thực tế của câu chuyện, anh bộ đội Trịnh Khanh và Nữ y tá cứu thương, liên lạc Trần Thị Bắc đã yêu nhau da diết - một tình yêu hòa lẫn vào tình yêu cách mạng. Họ đã làm đám cưới tại đơn vị và sống với nhau được 2 ngày, rồi chia tay để gánh vác nhiệm vụ của cách mạng lúc bấy giờ.

Vì thông tin chưa chính xác mà nhà thơ đã cảm hóa một mối tình mới chớm nở. Theo tôi nghĩ, chính sự nhầm lẫn đó đã làm cho bài thơ càng thêm những chi tiết lãng mạn hơn và mạnh mẽ hơn về ý chí cách mạng của tuổi trẻ: "… Anh vào bộ đội lên Đông Bắc/ Chiến đấu quên mình năm lại năm/ Mấy bận dân công về lại hỏi/ Ai người Xuân Dục, Núi Đôi chăng…". Chính cuộc chiến diễn ra ác liệt và gian khổ, mà trong sâu thẳm của người chiến sĩ vẫn lo lắng, nhớ thương người yêu của mình ở quê hương, đang ngày đêm phải đương đầu với bao gian khổ, nguy hiểm khi làm nhiệm vụ: "… Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi/ Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi/ Mỗi tin súng nổ vành đai địch/ Sương trắng người đi lại nhớ người…".

Nếu ai đó đã từng yêu và yêu thủy chung cùng có một hoàn cảnh, và giàu trí tưởng tượng về thời gian và diễn biến của sự việc như trong "Núi Đôi", thì lại càng trân trọng Vũ Cao với 2 từ "sương trắng", và sau đó "người đi lại nhớ người". Khi hóa thân vào nhân vật người yêu của Nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc, Nhà thơ Vũ Cao đã hình dung được sự cách xa về tình cảm và thương nhớ người yêu cháy bỏng trong trái tim mình. Hình ảnh đó là miền quê vùng đất trung du có ngọn Núi Đôi, có hình bóng của người yêu đang thầm lặng làm nhiệm vụ đêm ngày cận kề với hiểm nguy, gian khổ: "… Đồng đội có nhau thường nhắc nhở/ Trung du làng nước vẫn chờ trông/ Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm/ Em vẫn đi về những bến sông…"

Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2021): Nhớ bài thơ “Núi đôi” – Bản tình ca đọng mãi! - Ảnh 2.

Núi Đôi ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã đến ngày thắng lợi, hòa bình trở về nơi quê hương có ngọn Núi Đôi, có nửa trái tim mình, có người yêu ở đó. Nhưng niềm vui sướng đó đến với người chiến sĩ chỉ mới là niềm vui chung của đất nước, của Tổ quốc. Còn nỗi đau riêng của anh là người yêu đã bị giặc giết trong lúc làm nhiệm vụ cho cách mạng: "… Náo nức bao nhiêu ngày trở lại/ Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi/ Hành quân qua tắt đường sang huyện/ Anh ghé thăm nhà thăm Núi Đôi/ Mới tới đầu ao tin sét đánh/ Giặc giết em rồi dưới gốc thông/ Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/ Em sống trung thành, chết thủy chung!...".

Đọc đến đây cho dù ai đó có trái tim sắt đá cũng phải rung cảm trước những câu thơ mà tác giả đã dành trọn cho người phụ nữ. Chắc có lẽ người nữ chiến sĩ đó đẹp lắm, đẹp cả tâm hồn, cả thể xác, cả sự cao thượng và tình yêu thủy chung son sắt với người mình yêu và cách mạng. Viết đến đây tôi lại nhớ trong bài "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam có câu: "… Giặc giết em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi/ Đau xé lòng anh chết nửa con người…".

Để giành lại sự sống còn của một dân tộc không chỉ có một vùng ở Núi Đôi, mà biết bao nhiêu địa phương trên mọi miền của Tổ quốc cũng có những nỗi đau tương tự: "… Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng thông bờ cỏ con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em…". Cái triết lí của tình yêu, của những ai có tình yêu mãnh liệt, yêu thật lòng không vụ lợi như những mối tình vĩ đại trên thế gian này…! Được tác giả dùng những từ "nắng lụi", "núi vẫn đôi mà anh mất em", những người có tâm hồn trong sáng, nhất là các bạn yêu văn học không thể không nghẹn ngào ứa lệ khi đọc đến khổ thơ này.

Như trên đã nói với tâm hồn thi sĩ của mình, Nhà thơ Vũ Cao đã dành trọn tất cả cảm xúc giống như người yêu của Nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc. Chính vì sự hóa thân đó, mà có lần ông nói chuyện văn học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, một cô sinh viên tuôn trào nước mắt và nói với ông rằng "Cháu thương bác quá !". Và không những cô sinh viên đó mà rất nhiều bạn yêu văn học đã nhầm tưởng câu chuyện tình bi tráng đó chính là của tác giả bài thơ "Núi Đôi".

Trở lại câu chuyện của Núi Đôi, chúng ta không thể không có một tình yêu thương lớn lao để dành cho người nữ liệt sĩ đã hi sinh cái riêng của mình. Đó là nhịp đập của tình yêu muôn thuở hiến dâng cho người mình yêu và sự nghiệp cách mạng: "Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo/ Em còn trẻ lắm nhất làng trong/ Mấy năm cô ấy làm du kích/ Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng…".

Đọc "Núi Đôi", trong mỗi chúng ta có một cảm kích lớn về nội dung, cách dùng từ dân dã, dễ hiểu, nhất là lối gieo vần, thơ như có nhạc. Cái vốn quý đó là lãng mạn cách mạng, yêu là để sống một cuộc sống tươi đẹp và sẵn sàng hi sinh cả tình yêu để bảo vệ non sông đất nước và xây đắp cho cuộc sống ngày mai: "… Anh nghe có tiếng người qua chợ/ Ta gắng: mùa sau lúa sẽ nhiều/ Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc/ Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu…". Và sự hi sinh của người yêu đã tạo thành một động lực mạnh mẽ để anh bước tiếp con đường mà anh và người yêu đã chọn. Sự hi sinh đó đã được đồng bào, đồng chí quý trọng tôn vinh: "… Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ/ Oán thù còn đó, anh còn đây/ Ở đâu cô gái làng Xuân Dục/ Đã chết vì dân giữa đất này/ Ai viết tên em thành liệt sĩ/ Bên những hàng bia trắng giữa đồng/ Nhớ nhau anh gọi em đồng chí/ Một tấm lòng trong vạn tấm lòng…"

Bài thơ Núi Đôi là biểu tượng của bản anh hùng ca trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi hòa bình trở về trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bài thơ "Núi Đôi" là món ăn tinh thần cho biết bao thế hệ yêu văn học, thanh niên, sinh viên. Như "Thép đã tôi như thế đấy" - Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Nikolai Alexeevich Ostrovsky, trở thành sách gối đầu giường của thanh niên trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ.

Và sau này "Núi Đôi" đã ra trận cùng với lớp lớp tuổi trẻ, thanh niên xung phong, anh bộ đội trên đường hành quân, hay những đêm xung kích quyết tử với kẻ thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi tin tưởng tác giả đã đặt niềm tin vào ý tưởng của tác phẩm cũng như niềm tin yêu vào cách mạng: "… Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm". "Núi Đôi" là bản tình ca kì diệu, đọng mãi trong lòng bạn đọc và dân tộc Việt Nam.

Dương Chí Sỹ
Ý kiến của bạn
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.