Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021): Việt Nam quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch bệnh
Sáng 1/9, sau khi đến đặt hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021). Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục lại phát triển kinh tế của toàn cầu và trong khu vực…
- Thủ tướng bất ngờ đi kiểm tra ổ dịch lớn nhất Hà Nội phát hiện Sở chỉ huy không người trực, phường Thanh Xuân Trung chưa có Bí thư
- Công điện hỏa tốc của Thủ tướng: Tuyệt đối không để người dân ra đường đông trong dịp lễ Quốc khánh 2/9
- Thủ tướng lập thêm Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khái quát lại chặng đường vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Cách đây 76 năm, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, mở cửa và hội nhập, vượt qua bao khó khăn, thách thức, với sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, hiệu quả của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực.
Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng nhanh; từ một nước nghèo, kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, giáo dục. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với GDP bình quân đầu người hơn 3.500 USD. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay...
Thủ tướng Chính phủ phát biểu: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những biến đổi nhanh chóng, khó lường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong gần hai năm qua gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân, làm suy thoái kinh tế toàn cầu; gia tăng thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu an ninh, an toàn cho người dân…
Bên cạnh đó là những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột tại nhiều khu vực, khủng bố, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số… Chúng ta đang đứng trước những cơ hội không nhỏ, nhưng đi liền là những thách thức đan xen và ngày càng phức tạp, khó lường.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và với ý chí, tinh thần quật cường của cả dân tộc, Việt Nam đã và đang chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho Nhân dân. Phòng, chống dịch được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong lúc này, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, trong đó có người nước ngoài đang làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đại dịch sẽ còn kéo dài, diễn biến phức tạp và khó lường. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã hợp tác chặt chẽ rồi phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa! đã gắn bó rồi phải gắn bó hơn nữa! đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa! cùng chung tay, góp sức đẩy lùi đại dịch. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố then chốt, quyết định, nhưng hợp tác quốc tế là quan trọng và đột phá. Tôi tin tưởng và trân trọng đề nghị các quốc gia và tổ chức quốc tế trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác quốc tế, chia sẻ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, tài chính, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc điều trị, và đặc biệt là sự hỗ trợ về vaccine, tiếp cận vaccine bình đẳng, giúp đỡ cho chúng tôi về vaccine một cách nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể vì với chúng tôi "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất". Đồng thời, mong muốn các bạn tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác về giao thông, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các nước, không để bị đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu."
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn từ nay tới năm 2025, năm 2030 và nhất là tới năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được để phát triển nhanh và bền vững đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Đặc biệt, Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại...
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình. Từ đầu năm đến nay, các nhà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tham dự, phát biểu tại trên 50 Hội nghị cấp cao trực tuyến và các cuộc điện đàm với Lãnh đạo nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực. Hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao, tiếp tục được chú trọng, tập trung thảo luận, thống nhất về những vấn đề hệ trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới và tại khu vực, trong đó có hợp tác đối phó với dịch bệnh COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề già hóa dân số. Đây là những vấn đề toàn cầu nên chúng ta cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau trong giai đoạn hiện nay.
Người Việt Nam có câu: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức"; thử thách này sẽ rèn luyện bản lĩnh của chúng ta. Lịch sử đã chứng minh, trong khó khăn, thách thức và gian nan, tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ quốc tế là liều thuốc quý để chúng ta cùng nhau đi qua dịch bệnh và tăng cường mối quan hệ hợp tác nhiều hơn nữa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói "Phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục lại phát triển kinh tế của toàn cầu và trong khu vực. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19; bình minh của cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại."
Lưu ĐoànTrong báo cáo cập nhật kinh tế về Việt Nam công bố ngày 12/12, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025.