Kỷ niệm chiến thắng 30/4: Nguyễn Văn Trỗi - Bản hùng ca, tình ca bất diệt!
Nguyễn Văn Trỗi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, quê anh ở Thanh Quýt, Điện Bàn, anh lên Sài Gòn làm nghề đạp xích lô, sau đó làm nghề thợ điện. Với hình thể đẹp và tâm hồn trong sáng, anh biết chơi đàn và hát hay, như chị Quyên vợ anh đã từng nói: “Áo em mặc chỉ có hai màu, màu xanh nước biển và màu trắng”
Vì sao vậy? Vì sao giữa mảnh đất Sài Gòn xa hoa tráng lệ lúc bấy giờ, thiếu gì loại màu áo để làm đẹp cho người phụ nữ mà chị Quyên lại dùng hai màu áo nói trên, đó là gam màu gợi tính tinh khiết và tấm lòng yêu hòa bình, yêu quê hương đất nước trong trái tim nhiệt huyết cách mạng của anh Trỗi. Để rồi hai người đến với nhau trong cái tổ ấm nghèo giữa đất Sài Gòn ồn ào, xa hoa lúc bấy giờ.
Hai người sống với nhau trong tình yêu đẹp và rất hạnh phúc. Những chi tiết hiếm có yêu thương nhau trong tổ ấm nhỏ được các nhà làm phim miêu tả lại vào những năm 65 của thế kỉ XX. Nếu như ai đã từng xem bộ phim “Nguyễn Văn Trỗi” thì không thể không ao ước được yêu, được sống bên nhau để trút cho nhau những giây phút quý giá nhất của cuộc đời…!
Hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi trước khi bị bọn Mĩ, Ngụy xử bắn ở Khám Chí Hòa. (Ảnh từ nguồn Internet)
Năm 1964, một sự kiện làm chấn động từ Việt Nam đến Châu Mỹ La Tinh, đến các châu lục xa xôi trên trái đất này, đó là thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi bố trí đánh bom ở cầu Công Lí để tiêu diệt bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara sang Việt Nam chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới.
Sự việc bị lộ, anh Trỗi bị bắt, anh đã bị giam ở Khám Chí Hòa và đã bị tra tấn đủ các cực hình mà bọn tâm lí chiến của bè lũ Mỹ - Ngụy dùng trong các cuộc chiến tranh, kể cả những cực hình thời trung cổ.
Nhưng với tấm lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, anh đã chửi thẳng vào bè lũ tay sai bán nước và cướp nước. Chúng đã bắt cả chị Quyên, trong nhà lao, chị đã được các đồng chí của ta dìu dắt che chở và chính chị X là bà Trương Mĩ Hoa đã dạy cho chị Quyên hát: “Bài ca Hy Vọng” của nhạc sĩ Văn Ký.
Một thời gian sau vì không đủ chứng cứ, bọn chúng phải thả chị Quyên. Nhiều lần bọn tâm lí chiến đã lấy hình ảnh người vợ hiền và hạnh phúc gia đình để mua chuộc, cám dỗ anh, nhưng trong trái tim anh như một nhà thơ đã từng viết: “Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi bờ sông/ Đến lúc tột cùng là dòng máu chảy”.
Trong khi anh Trỗi bị giam ở Khám Chí Hòa, mỗi lần chị Quyên người vợ trẻ mới mười chín tuổi đời với vẻ đẹp bình dị, dịu hiền đến thăm anh, lòng anh lại nhói đau vì thương vợ. Anh thương vì vợ chồng mới cưới nhau chưa đầy một tháng, tổ chức cách mạng cho anh ở nhà để hưởng vị ngọt của tuần trăng mật, nhưng anh yêu mảnh đất anh đang sống bị gót dày đinh của lũ xâm lược dày xéo nên anh ra đi làm một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm.
Anh thương vì anh chưa làm được gì cho vợ, anh thương vì anh chưa làm tròn bổn phận của một người chồng kể cả vật chất lẫn tinh thần cho người vợ trẻ. Anh thương vì anh biết rằng anh sẽ hi sinh để lại vết thương đau, chia cắt trong trái tim người vợ.
Khí tiết của anh đã bay đến tận đất nước Venezuela, du kích Ca-ra-cát đã bắt sống trung tá William Westmoreland của Mỹ để đổi sự sống cho anh Trỗi, khi du kích Ca-ra-cát thả trung tá William Westmoreland thì Mỹ - Ngụy đã đưa anh Trỗi ra xử bắn sau Khám Chí Hòa. Chị Phan Thị Quyên tưởng cuộc trao đổi hai bên thành công.
Như thường lệ, chị vào Khám Chí Hòa để thăm chồng, trên đường đi chị gặp chiếc xe chở quan tài vào Khám Chí Hòa, lúc đó chị mới biết anh sẽ bị giết, tiếng gọi thất thanh của chị: “Không được giết chồng tôi, không được giết chồng tôi” bị tiếng gầm rú của chiếc xe chở quan tài lấn át. Ôi đau thương quá khi cánh cổng sắt của Khám Chí Hòa đóng sập lại, bàn tay bé nhỏ của một người phụ nữ làm sao lay nổi cánh cửa sắt khổng lồ của lũ cướp nước và bán nước.
9h45’ ngày 15/10/1964, Mỹ - Ngụy đã bắn anh Trỗi sau Khám Chí Hòa, trước 10 họng súng anh vẫn hiên ngang giật phắt mảnh băng đen và hô to:
“Hãy nhớ lấy lời tôi
Đã đảo đế quốc Mỹ
Đã đảo Nguyễn Khánh
Hồ Chí Minh muôn năm
Hồ Chí Minh muôn năm
Hồ Chí Minh muôn năm”
Khâm phục, cảm kích trước khí tiết lẫm liệt của anh, nhà thơ Tố Hữu đã cho ra đời bài thơ: “Hãy nhớ lấy lời tôi”, khi bị anh Trỗi mới 24 tuổi, độ tuổi đầy sinh khí của cuộc đời với người vợ dịu hiền 19 tuổi, nhưng anh không sợ, trước sự chứng kiến của các phóng viên nước ngoài, anh đã dùng những lời đanh thép làm cho kẻ thù khiếp sợ:
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca/
Có con người như chân lí sinh ra…”
Và anh đã nhìn thẳng vào mặt kẻ thù để chứng kiến chính anh là tòa án của cách mạng xử án lũ xâm lược, bởi anh yêu quê hương, yêu Tổ quốc anh, yêu những người lao động bần hàn khốn khổ ở miền Nam lúc bấy giờ:
“Hai hàng đen súng cắm lưỡi lê
Chân bước tới mắt anh nhìn bình thản
Như chính anh là người xử án
Cỏ trong vườn mát dưới chân anh…”
Viết đến đây, tôi không cầm được nước mắt bởi những câu thơ làm lay động lòng người và chính tâm hồn anh là thế:
“Cỏ trong vườn mát dưới chân anh/
Đời vẫn tươi màu lá rau xanh
Đây miếng đất của anh đòi giải phóng
Đây máu thịt của anh đòi cuộc sống …”
Anh khẳng định anh không có tội, chỉ có lũ cướp nước và bán nước mới có tội:
“Anh thét lên ta có tội gì đây?
Chúng trói anh vào cọc mấy vòng dây
Mười họng súng một băng đen bịt mắt
Anh thét lớn chính Mỹ kia là giặc
Và tay anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu bằng mắt lũ đê hèn…”
Và trong lòng ta đọng mãi những câu thơ của Tố Hữu nói về lòng yêu Tổ quốc của anh: “Anh gục xuống, không, anh đứng dậy/ Anh hãy còn hô Việt Nam muôn năm/ Máu tim anh nhuộm đỏ đất anh nằm”.
Máu tim anh nhuộm đỏ mảnh đất anh đòi giải phóng, anh khẳng định “miền Nam là máu của máu Việt Nam”, không thể bị chia cắt. Sự trả thù hèn hạ của Mỹ- Ngụy đã làm cho ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam ngày càng sục sôi căm phẫn: “Anh đã chết anh chẳng còn thấy nữa/ Lửa kêu lửa ở miền Nam rực lửa/ Ôi trái tim anh, lửa nào bằng…”
Sau khi trái tim anh ngừng đập, bọn chúng đã bí mật chôn anh ở Giồng Trôm, chỉ ba ngày sau, chị Quyên cùng những người ruột thịt đã tìm anh và đưa anh về nơi yên nghỉ.
Anh mất đi, tổ chức cách mạng mất đi một người con bất khuất của thành đồng Tổ quốc, chị Quyên mất đi một người chồng mẫu mực, một mối tình chồng vợ khó phai mờ trong trái tim yêu thương của chị và chị đã thực hiện đúng những ước mong, hoài bão của anh… vững vàng bước vào con đường cách mạng, máu của anh Trỗi không những nhuộm đỏ mảnh đất anh nằm mà còn trút thêm vào trái tim của chị và tiếng hô: “Hãy nhớ lấy lời tôi” đã trở thành sự thật, miền Nam đã được giải phóng.
Mảnh đất anh nằm lại nở những mùa hoa thơm cỏ ngọt. Bác Hồ kính yêu đã trân trọng ghi dưới bức ảnh của anh: “Vì Tổ quốc, vì Nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập” và anh đã được mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng huân chương Thành đồng hạng nhất, được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam. Tên anh cũng được trân trọng đặt cho những con đường, những trường học và những mái phố thân yêu!
Tôi ấp ủ từ lâu với những cảm xúc này! Từ khi Báo Kinh doanh & Pháp Luật kỉ niệm 5 năm ngày phát hành tờ báo đầu tiên, đồng chí Lưu Vinh, Tổng biên tập nhắc nhiều về những kỉ niệm đẹp của vợ chồng anh Trỗi và chính báo Kinh doanh và Pháp luật là cơ quan quyên góp để sửa chữa, xây dựng con đường vào nhà thờ anh Trỗi.
Để kỉ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam 30/4/1975 - 30/4/2020. Tất cả những gì nói trên đã thôi thúc tôi trút những cảm xúc chân thành này lên ngòi bút, như nén hương thơm tưởng nhớ đến hương hồn anh nơi chín suối và Nguyễn Văn Trỗi bản anh hùng ca, tình ca bất diệt./
Dương Chí Sỹ
Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.