Kỳ vọng cải cách thể chế sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch
Theo các chuyên gia, hy vọng với việc cải cách thể chế sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, tạo cơ hội và sàng lọc các nhà đầu tư, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược kinh doanh thay đổi theo hướng minh bạch hoá, cạnh tranh.
Kỳ vọng thị trường bất động sản sớm minh bạch
Từ đầu năm đến nay, giá bất động sản (BĐS) tăng từ phân khúc chung cư, đất nền, thổ cư… trên cả nước, khiến nhiều nhà đầu tư, người dân bị cuốn vào những "cơn sốt" đất đầy rủi ro, đồng thời gây thêm khó khăn về thu hút đầu tư và nhà ở cho người thu nhập thấp.
Lý giải về hiện tượng trên, Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt lý do: Dân số tăng, nguồn cung chưa kịp đáp ứng công nghiệp hóa, đô thị hóa; dòng vốn đầu tư chuyển dịch vào bất động sản (BĐS); chi phí đầu vào dự án BĐS tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo… và các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng 10 -15% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong 2 năm vừa qua, thị trường BĐS có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung mới rất thấp, kể cả ở hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội. Hơn nữa, hiện đang xảy ra nghịch lý tồn kho bất động sản tăng, giá nhà lại không giảm khiến thị trường lệch pha cung cầu ngày càng cao và áp lực tăng về giá cả trên thị trường.
Trước thực trạng trên, nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp BĐS phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tại hội thảo trực tuyến “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XV cho biết, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ rất quyết liệt trong cải cách thể chế, xác định đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cải cách thể chế sẽ có tác động nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Cụ thể, Quốc hội đang thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế với nhiệm vụ trọng tâm là phân bổ lại nguồn lực theo thể chế thị trường, trong đó có nguồn lực đất đai, BĐS.
Theo ông Hiếu, việc cải cách thể chế sẽ giúp thị trường minh bạch, cạnh tranh hơn, từ đó sẽ có sự sàng lọc với nhà đầu tư. Đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược kinh doanh thay đổi theo hướng minh bạch hoá, gia tăng sự cạnh tranh. Ngoài ra, cải cách thể chế giúp giảm bớt các rào cản, xoá bỏ rào cản pháp lý, giảm thiểu rủi ro pháp lý, giúp bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng tốt hơn. Điều này sẽ làm cho người tiêu dùng tăng niềm tin vào thị trường, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Về cơ bản người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
"Trong chương trình kỳ họp Quốc hội Khoá XV sẽ xem xét tới cải cách thể chế, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Theo đó, thị trường bất động sản sẽ sớm được minh bạch hơn, hình thành rõ hơn các phân khúc bất động sản", ông Hiếu cho hay.
Khơi thông thị trường địa ốc
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị một số giải pháp nhằm khơi thông thị trường địa ốc trong thời gian tới.
Thứ nhất, trong giai đoạn bình thường mới cần có giải pháp hỗ trợ để các hoạt động kinh doanh bất động sản phục hồi, thúc đẩy các dự án bất động sản hoạt động trở lại, đơn cử như cần tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Vị chuyên gia đánh giá, việc phục hồi các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Bởi thị trường bất động sản có sự liên đới đến nhiều ngành nghề khác, như đầu kéo cho sự phát triển của thị trường lao động, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... Nếu không thi công dự án thì các thị trường khác không thể tiêu thụ tốt.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu, cần có gói tín dụng lớn dành cho nhà ở công nhân, người lao động. Theo ông Hà, phân khúc này sôi động chắc chắn sẽ kéo theo các phân khúc khác phục hồi trở lại.
Thứ hai, cần có giải pháp đồng bộ để sớm mở rộng hoạt động giao thương, du lịch. Ông Hà cho biết, thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam đã diễn ra tình trạng rao bán khách sạn, condotel. Thế nên cần sớm mở lại các đường bay quốc tế trong điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch cho người dân.
“Phải sớm khơi thông lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở cửa du lịch nội địa và quốc tế”, ông Hà nhấn mạnh.
Thứ ba, ông Hà cho rằng, cần phải sửa đổi ngay các bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật liên quan đến bất động sản như thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng để các dự án sớm khởi công trở lại, tăng nguồn cung cho thị trường. Lâu dài hơn, phải sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư.
Kỳ vọng bất động sản sẽ bùng nổ hậu COVID
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, tính thanh khoản trên toàn cầu được cải thiện với sự đa dạng trong sản phẩm. Ảnh hưởng của đại dịch đã dẫn tới sự thay đổi trong lối sống cũng như việc lựa chọn nhà ở.
Sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường nhà ở thấp tầng sẽ nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ với nguồn cung lớn trong tương lai và nguồn cầu mạnh minh chứng vào nửa đầu năm 2021.
Giám đốc Savills Hà Nội cho biết thêm, trên thực tế, nguồn cầu sẵn có cho bất động sản nhà ở nhìn chung là rất lớn, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự tăng trưởng trong vốn sở hữu cá nhân, quá trình đô thị hoá nhanh chóng cũng như sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận nhiều khu vực của thành phố. Thậm chí ngay cả trong điều kiện dịch COVID-19, Savills vẫn ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ đối với bất động sản nhà ở; trong các giao dịch được ghi nhận, phần lớn vẫn là từ vốn sở hữu cá nhân của các nhà đầu tư.
Có thể nói sự phát triển của thị trường bất động sản trong những thập niên vừa qua đã mang đến cho Việt Nam một diện mạo mới và hiện đại. Sau đại dịch, bất động sản tiếp tục khẳng định sức hút và tiềm năng đầu tư trong tương lai từ nguồn cầu lớn được tạo ra bởi sự phát triển hạ tầng mạnh mẽ, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, triển vọng thu hút FDI lớn… và đặc biệt từ nguồn cung có thể được hình thành chủ yếu với quỹ đất lớn tại các khu vực vành đai.
Tại sự kiện công bố báo cáo thị trường quý III/2021 mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: “Nếu kiểm soát thành công dịch bệnh, số lượng ca F0 không tăng thêm, độ phủ 2 mũi vaccine đạt 90% và tái mở cửa nền kinh tế, cũng như phục hồi sản xuất thuận lợi trong quý IV/2021, TP. Hà Nội sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung BĐS nhanh và sớm nhất cả nước”.
Riêng với thị trường miền Trung, cụ thể là TP. Đà Nẵng hay thị trường miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh, có thể đạt khả năng phục hồi 100% nhu cầu giao dịch vào tháng 12, nếu khống chế được dịch bệnh và hướng đến mục tiêu phủ 99% vaccine toàn dân. Vì thị trường TP. Hồ Chí Minh dù suy giảm giao dịch nhà đất trong quý III, nhưng vẫn là thị trường ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm BĐS cao nhất cả nước.
Hiện giao dịch bắt đầu trở lại trung bình, đây là tín hiệu tốt để chúng ta có một giai đoạn mới, sau dịch bùng nổ hơn.
Hoài ThươngCác chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ.