Kỳ vọng chuyển trạng thái từ nhập siêu sang xuất siêu trong quý IV

Đầu tư và Tiếp thị
02:54 PM 01/10/2021

Ở kịch bản lạc quan, trong quý IV cán cân thương mại của Việt Nam có thể duy trì được mức cân bằng, thậm chí chuyển sang trạng thái xuất siêu.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, xuất nhập khẩu gắn chặt với sản xuất công nghiệp. Quý II, III vừa qua là thời điểm dịch bùng phát mạnh, tác động trực tiếp tới trung tâm sản xuất công nghiệp lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang và 19 tỉnh thành phía Nam.

Kỳ vọng chuyển trạng thái từ nhập siêu sang xuất siêu - Ảnh 1.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi đang khai thác hiệu quả các FTA. Ảnh: Báo Hải Quan

Riêng 19 tỉnh thành phía Nam chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Các địa phương này phải thực hiện giãn cách xã hội nên tác động tiêu cực tới sản xuất, xuất khẩu. Do đó, nhập siêu đã quay trở lại, tháng 6, tháng 7 có mức nhập siêu lớn, tuy nhiên tới tháng 8 đã giảm và tháng 9  quay trở lại xuất siêu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích, khoảng cách để chuyển cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu là không quá lớn. Còn khoảng 3 tháng cuối năm, nếu không có biến động lớn về dịch bệnh, hy vọng doanh nghiệp phía Nam phục hồi được đà tăng trưởng, thì kết thúc năm 2021, thương mại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cân bằng, nếu lạc quan hơn thì có thể xuất siêu.

Tuy vậy, trong báo cáo, Bộ Công Thương đưa ra các con số khá thận trọng. Theo đó, nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...

Về cán cân thương mại, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III thì xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong quý IV. Tuy nhiên, theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV cũng thường tăng cao, do đó, dự kiến cả năm nhập khẩu tăng hơn 20% khiến nhập siêu khoảng 2 tỷ USD (chiếm 0,63% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Từ nay đến cuối năm, để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Hoài Thương (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.