Kỳ vọng đột phá từ công nghiệp công nghệ cao

Địa phương
11:29 AM 23/09/2024

Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực góp sức cùng tỉnh Thanh Hóa phát triển, trở thành trung tâm công nghiệp mang tầm khu vực và quốc tế (KCN). Ngoài những KCN hiện đại gắn với các dự án đầu tư trực tiếp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), “bức tranh” KCN của tỉnh Thanh Hóa đang dần lộ diện những “gương mặt” mới. Với kỳ vọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, kết hợp hài hòa giữ nội lực và ngoại lực.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) nêu rõ quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển. 

Kỳ vọng đột phá từ công nghiệp công nghệ cao- Ảnh 1.

Công ty TNHH Triệu Thái Sơn là đơn vị chuyên sản xuất ván ép xuất khẩu. Hiện nay, công ty có 3 cơ sở tại huyện Thọ Xuân và Triệu Sơn, đang tạo việc làm cho 1 nghìn lao động tại các địa phương.

Theo Quy hoạch, Thanh Hóa ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới tư duy phát triển, hình thành các trung tâm động lực, không gian phát triển, tạo động lực phát triển mới.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư

Tháng 6/2024, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN phía Tây TP Thanh Hóa. Với tổng diện tích quy hoạch khoảng 645 ha, đây là KCN được tỉnh Thanh Hóa định hướng phát triển đa ngành theo xu hướng công nghiệp 4.0. Các ngành công nghệ cao và thân thiện với môi trường mà KCN này định hướng đến là công nghiệp điện - điện tử, viễn thông; cơ khí chế tạo; cơ khí chính xác; công nghiệp ô tô, xe máy, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế; sản xuất hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Nằm trên tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, thuận lợi thế kết nối giao thương, KCN phía Tây Tp Thanh Hóa sẽ được tổ chức không gian sản xuất công nghiệp có kiến trúc phù hợp các loại hình công trình công nghiệp với mật độ xây dựng cao. Cùng với đó, KCN sẽ được quy hoạch các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật như trạm điện, xử lý nước thải... thuận tiện như được bố trí cạnh các tuyến giao thông để dễ dàng kết nối với hạ tầng trong và ngoài KCN.

Theo đó, KCN trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản). Với biên bản ký kết ghi nhớ về đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN này vào năm 2023, tập đoàn kỳ vọng hợp tác thành công với tỉnh Thanh Hóa để hiện thực hóa một KCN hình mẫu, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Mặt khác, Tập đoàn cũng cam kết sẽ đưa KCN phía Tây TP Thanh Hóa thành KCN hàng đầu về chất lượng hạ tầng; từ đó thu hút thành công nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản có công nghệ hiện đại, góp phần gia tăng sản phẩm công nghiệp mới, chất lượng cho tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 7/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đồ án Quy hạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN số 15 thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Với tổng diện tích gần 700ha, KCN số 15 được định hướng tổ chức không gian gồm 2 khu: Khu A với khu vực dự án Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I, diện tích khoảng 229,18 ha; khu B (KCN Đồng Vàng) với diện tích khoảng 491,91 ha nằm phía Nam của KCN, ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến nông lâm sản.

Những kết quả nổi bật

Kỳ vọng đột phá từ công nghiệp công nghệ cao- Ảnh 2.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Được biết, hiện tại, Khu B của KCN này đã thu hút được chủ đầu tư hạ tầng là Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Đồng Vàng cũng đã được dự toán với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng và được quy hoạch xây dựng các nhà máy, xí nghiệp linh hoạt, có thể nối nhiều lô đất để đáp ứng xây dựng các nhà máy có quy mô lớn, mang tính chất "mỏ neo" cho phát triển KCN số 15. Đồng thời, Khu A của KCN này đang đươc Ban Quản lý KKTNS và Các KCN chủ trì, phối hợp với Sở Xây dụng và UBND thị xã Nghi Sơn tổ chức công bố, công khai nội dung quy hoạch phân khu xây dựng và tổ chức kêu gọi đầu tư.

Trong tổng số các dự án đăng ký mới, 8 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý KKTNS và các KCN cho biết: ngoài 7 phân khu KCN đã lấp đầy, KKTNS hiện đã có 4 phân KCN Thu hút được nhà đầu tư hạ tầng là: KCN số1; KCN số 3; KCN số 9 (KCN luyện kim) và KCN số 15. Các KCN này đều đang được triển khai hạ tầng và định hướng phát triển đa ngành nghề, với mục tiêu thu hút công nghệ hiện đại, gia tăng cao.

Bên cạnh các dự án đăng ký mới, các KCN ngoài KKTNS, hiện cũng đã có 4 KCN đã được phê duyệt quy hoạch gồm: KCN Phú Quý (Hoằng Hóa); KCN Tượng Lĩnh (Nông Cống); KCN phía Tây TP Thanh Hóa; KCN Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa).

Đặc biệt trong số các dự án này, phải kể đến KCN Phú Quý (KCN WHA Smart Technology) có tổng diện tích là 540ha. Đây là KCN đứng thứ 3 về quy mô trong số các KCN hiện hữu và đã quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa (sau KCN Bỉm Sơn và KCN Lam Sơn - Sao Vàng). 

Theo đánh giá của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, dự án KCN Phú Quý được kỳ vọng phát huy lợi thế vị trí giao thông quan trọng, là cửa ngõ trung tâm huyện Hoắng Hóa tiếp giáp với TP Thanh Hóa và các huyện phụ cận, là giao điểm tuyến giao thông của các vunhg kinh tế, cảng biển, cảng hàng không. Quy mô lao động dựu báo khoảng 36.000- 58.000 người. 

Đây được coi là khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đặc biệt các loại hình công nghiệp nhẹ, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao và sẽ được tập trung ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài với các ngành công nghệ hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình đô thị hóa - công nghiệp hóa của tỉnh Thanh Hóa, khu vực Bắc Miền Trung và cả nước.

Trên cơ sở xác định thu hút đầu tư là động lực tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của tỉnh. Ban Quản lý KKTNS và các KCN đang tích cực lập quy hoạch chi tiết 4 KCN mới gồm KCN Lưu Bình (Quảng Xương); KCN Hà Long (Hà Trung); KCN Bắc Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa); KCN Đa Lộc (Hậu Lộc); KCN Nga Tân (Nga Sơn). Cùng với quy hoạch bài bản và những quyết định "chọn mặt gửi vàng" từ các nhà đầu tư có uy tín, hạ tầng KCN mới kỳ vọng sẽ mang lại những bước đột phá mới cho công nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong tương lai rất gần.


Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn