Kỳ vọng duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản năm 2023
Mặc dù giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2023 sụt giảm bởi lý do khách quan nhưng ngành Nông nghiệp vẫn kỳ vọng tiếp tục duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới trên 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó nông sản chính đạt 22,6 tỷ USD, ngành lâm sản và thủy sản là ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD với giá trị lần lượt 16,9 tỷ USD và 10,9 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Song, trong tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 600 triệu USD, giảm gần 31%; giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm gần 30% so với tháng 1 năm trước.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản tuy có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong năm 2022 nhưng giá trị trong tháng đầu năm nay lại tăng mạnh. Như giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước trong tháng 1/2023 đạt 30 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước... Hay như ở mặt hàng rau quả, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 là 3,3 tỷ USD, giảm 5,68% so với năm 2021; nhưng bước sang tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm trước...
Theo các chuyên gia, cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2023 rất lớn và có thể đạt mức cao hơn.
Trước đó, trong năm 2022, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản. Bộ đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Cụ thể, Bộ NN&PNT đã phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu.
Bộ cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, khối ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông... Nhờ đó, một phần tạo cơ hội cho ngành Nông nghiệp giữ vững kỷ lục trong năm 2023.
Để duy trì kỷ lục đã lập, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, cần củng cố độ an toàn của sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Về lâu dài, cần tìm ra giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm bớt giá thành sản xuất và tăng thị phần của doanh nghiệp trong nước.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tập trung sản xuất phù hợp với những quy định và luật lệ quốc tế. Đặc biệt là những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng thế giới để xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị, trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, mà một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc.
Minh An (t/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.