Kỳ vọng gạo Việt tiếp tục lập kỳ tích năm 2021
Trái ngược với sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu (XK) gạo Việt năm 2020 lại tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo 2021 vẫn là một năm nhiều cơ hội và kỳ vọng gạo Việt sẽ tiếp tục lập nên kỳ tích.
Theo nhận định của một số chuyên gia lúa gạo, năm 2021, sẽ tiếp tục thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Trước hết, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, do đó, gạo là một trong những loại thực phẩm mà nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưu tiên tích trữ, sử dụng, nhất là khi phải tuân thủ giãn cách xã hội, hoặc bị thất nghiệp do COVID-19.
Bên cạnh đó, hiệu ứng của các hiệp định thương mại đã và đang tác động rất tích cực đến khách mua gạo Việt Nam. Khi EVFTA được thực thi từ ngày 1/8/2020 đã cho kết quả xuất khẩu gạo rất khả quan với hạn ngạch gạo thơm lên đến 80.000 tấn/năm.
Hiệp định UKVFTA giữa Vương quốc Anh và Việt Nam cũng tạo điều kiện để gạo Việt Nam vào được thị trường này với dư địa rất lớn. Khi thực thi UKVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch.
Mặt khác, gạo Việt Nam đang ngày càng được nâng tầm, nhờ nỗ lực sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, sản xuất lúa hữu cơ của nhiều doanh nghiệp và nông dân. Xu hướng hiện nay là nhà nông và doanh nghiệp đã tập trung sâu vào chất lượng chứ không còn chạy theo số lượng.
Đó là những yếu tố quan trọng giúp cho gạo Việt thuận lợi trong xuất khẩu để có thể tiếp tục lập kỳ tích trong năm 2021.
Năm 2020, gạo là điểm sáng trong số ít các mặt hàng nông sản xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu mang về vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt giá gạo liên tục tăng cao đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỉ của mặt hàng này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2020, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 5,7 triệu tấn, trị giá hơn 2,8 tỉ USD, so với cùng kì năm 2019 tuy giảm 2,9% về lượng nhưng lại tăng tới 9,7% về kim ngạch. Với kết quả đó, năm 2020 có thể nói là một năm thành công của ngành gạo Việt Nam.
Có nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã ở mức trên dưới 500 USD/tấn. Cũng trong năm qua, giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam đã có những lúc cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan và luôn cao hơn khá nhiều so với gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan.
Việc giảm mạnh XK các loại gạo cấp thấp, thay vào đó là tăng cường gạo cao cấp, gạo thơm, Việt Nam đã trở thành thị trường có đủ khả năng và chủng loại gạo cao cấp cho nhiều thị trường, kể cả các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Hàn Quốc, châu Âu...
Những ngày cuối năm 2020, giá gạo 5% của Việt Nam vẫn duy trì quanh mức 500 USD/tấn. Trong 11 tháng đầu năm 2020, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 496 USD/tấn, tăng 12,9% về giá so với cùng kỳ 2019.
Thắng lợi của ngành lúa gạo năm 2020 không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, trong đó có ba nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng cao như hiện nay.
Thứ nhất, người nông dân Việt Nam đã thay đổi quy trình sản xuất từ lượng sang chất, dẫn đến chất lượng gạo Việt Nam đã tăng cao rõ rệt và người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới đã tin dùng hơn. Điều này được chứng minh ở cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai là Việt Nam đã kí nhiều hiệp định thương mại mang tầm chiến lược lớn như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá, trong đó việc thuế suất giảm bằng 0 đã tạo sức cạnh tranh tốt cho Việt Nam.
Và thứ ba, năm 2020 với tình hình dịch COVID-19 làm suy giảm nhiều ngành nhưng nhu cầu với ngành lương thực thực phẩm vẫn tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân các khách hàng vẫn cần gạo Việt Nam.
Như vậy cơ hội đang rộng mở cho gạo Việt là có, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước nên tập trung cho chế biến sâu, chất lượng. Quy hoạch lại vùng trồng lúa, định hướng thị trường để bán, củng cố các đầu mối XK, có thông tin và luật lệ rõ ràng. Đặc biệt, với giá lúa cao như hiện nay sẽ có tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, tư duy ngắn hạn, sợ lúa mình bán không được nên cạnh tranh bán kiếm lời. Đây là thời cơ để tổ chức lại hoạt động XK lúa gạo.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An cho biết, để duy trì thành tích XK gạo Việt như hiện nay, trong năm 2021 chúng ta phải phát triển sản xuất nông nghiệp theo kiểu trọng tâm, trọng điểm, không chỉ cho hàng XK mà cả tiêu dùng trong nước. Các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo nói chung và các thương nhân xuất khẩu gạo nói riêng phải tự xây dựng vị thế riêng cho chính mình để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này.
Bên cạnh đó, các thương nhân nên nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp.
Huyền MyKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.