Kỳ vọng gì về chính sách đối ngoại của Mỹ thời ông Biden?
Tổng thống tân cử Joe Biden cam kết sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo của nước Mỹ và hàn gắn quan hệ với các đồng minh, quyết làm nước Mỹ phải được thế giới tôn trọng trở lại.
Tối 7/11 (giờ địa phương), hàng loạt cơ quan truyền thông của Mỹ và thế giới như hãng tin AP, đài CNN, hãng tin Reuters... đã cập nhật thông tin ứng viên Dân chủ - ông Joe Biden 77 tuổi đã đạt 273/538 phiếu đại cử tri và trở thành Tổng thống tân cử thứ 46, theo Hiến pháp của nước này.
Lãnh đạo nhiều quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Canada, Đức, Pháp,...trong đó có cả Thủ tướng Anh Boris Johnson - người có mối quan hệ được xem là khá thân thiết với đương kim Tổng thống Donald Trump, cũng đã có những lời chúc mừng đầu tiên gửi đến ông Biden và cộng sự.
Trong quá trình vận động tranh cử, chính khách 77 tuổi đã cho thấy ông và chính quyền của Tổng thống Trump đối nghịch nhau trong nhiều chính sách. Một trong số đó là nỗ lực khôi phục vị thế của nước Mỹ trên phạm vi toàn cầu và hàn gắn quan hệ với các đồng minh.
Bây giờ, điều tiếp theo công chúng quan tâm là nếu thuận lợi vượt qua cuộc chiến pháp lý với ông Trump, ông Biden sẽ có những ảnh hưởng như thế nào lên hiện trạng thế giới ngày nay?
Vấn đề với Trung Quốc
Tờ Financial Times (FT) của Mỹ ngày 8/11 dẫn lời một cố vấn của ông Biden cho biết ưu tiên lớn trong chính sách của nước Mỹ dưới thời chính quyền của tổng thống tân cử sẽ là vấn đề Trung Quốc.
Về cơ bản, chính quyền của ông Biden dù muốn dù không cũng sẽ khó thoát khỏi cái bóng mà chính quyền tiền nhiệm đã để lại. Tuy nhiên, trang FT nhận định tân tổng thống có thể sẽ dùng những cách rất khác so với ông Trump, trong đó có việc tăng cường phối hợp hành động với các đồng minh khác như châu Âu hay Nhật, đồng thời mang ảnh hưởng kinh tế của nước Mỹ trở lại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á.
Một số ý kiến cho hay Trung Quốc có thể sẽ thở phào nhẹ nhõm khi ông Biden nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới. Thậm chí, một số đảng viên đảng Dân chủ còn cho rằng ông Biden đánh giá thấp mức độ đe dọa về quân sự, kinh tế, ngoại giao mà Trung Quốc có thể mang lại, theo FT.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định, với tình trạng hiện nay, Mỹ-Trung sẽ khó quay trở lại tình trạng như trước năm 2016.
“Giờ đây, quan hệ Trung-Mỹ đã vượt qua ngưỡng quay đầu, và lúc này nó không còn tùy thuộc vào cá nhân lãnh đạo nữa. Quan điểm chính trị của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều khá giống nhau về một giải pháp cứng rắn và mạnh mẽ với Trung Quốc. Do đó người lãnh đạo hành pháp của nước Mỹ sắp tới nếu muốn được sự hậu thuẫn của hai đảng ở cơ quan lập pháp trong một số chính sách đối nội thì cần phải mạnh mẽ với Trung Quốc ở chính sách đối ngoại”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), nhận định trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo Pháp Luật TP.HCM.
Cùng quan điểm này, cựu Quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, phụ trách khu vực châu Á - bà Wendy Cutler mới đây chia sẻ với báo The Guardian: “Dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng ta cũng sẽ chứng kiến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng trên nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, địa chiến lược,...trong các năm tới”.
Vấn đề với châu Âu
Ông Biden nhiều lần khẳng định mong muốn hàn gắn lại mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) - mà ông Trump “đã nhiều lần hắt hủi”, theo FT.
Thậm chí tờ báo này còn nhận định, ông Biden có thể sẽ là một tổng thống Mỹ theo “chủ nghĩa Đại Tây Dương” mạnh mẽ nhất trong 100 năm trở lại đây. Bởi, vị chính khách 77 tuổi sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Ireland (quốc gia Bắc Âu), và ông luôn tự hào về điều này.
Ông Biden từng phản đối mạnh mẽ những chính sách “thù địch công khai” của ông Trump đối với EU. Và có thể sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Biden cũng sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ liên minh quân sự Mỹ-NATO, tờ FT nhận định.
Vấn đề với khu vực Trung Đông
Tổng thống tân cử Mỹ đã hứa sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã rút khỏi trước đó, nếu Tehran cũng đồng ý tiếp tục tuân thủ hiệp định đa phương nhằm kìm hãm tham vọng hạt nhân của nước này.
Ông Biden cũng hứa sẽ thiết lập lại quan hệ với Saudi Arabia - một quốc gia mà ông đã từng gọi là "pariah" - tức một quốc gia bất trị, bị bài xích, theo FT.
Nhưng cũng giống như Tổng thống Trump, ông Biden muốn chấm dứt cuộc chiến “vô thời hạn” và dành ít sự quan tâm của nước Mỹ hơn cho Trung Đông.
Hiện, chính quyền của tổng thống tân cử vẫn chưa có kế hoạch thúc đẩy giải pháp hoà giải hai nhà nước Iran và Saudi Arabia, đồng thời các cố vấn hàng đầu của ông Biden cũng nói rõ các ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ không nằm ở vấn đề này.
Sắp tới, nếu thuận lợi vượt qua các vấn đề tranh chấp pháp lý với đương kim Tổng thống Trump và trở thành tân tổng thống của nước Mỹ vào đầu năm sau, ông Biden cũng sẽ phải chạy đua với thời gian nhằm nhanh chóng đạt được thỏa thuận trong những vấn đề còn tồn đọng với Iran, trước khi cuộc chuyển giao quyền lực - được dự báo có thể vào tay những lãnh đạo cứng rắn, khó đàm phán hơn - vào tháng 6 năm sau.
Về vấn đề thương mại toàn cầu
Về thương mai, ông Biden được cho là có một số khuynh hướng bảo hộ giống như ông Trump. Cụ thể, tổng thống tân cử đã từng đề xuất các cơ quan cấp liên bang chỉ được mua và dùng những sản phẩm, dịch vụ của nước Mỹ, đồng thời đánh thêm thuế nhằm vào các công ty Mỹ muốn chuyển sản xuất và việc làm ra nước ngoài.
Cũng như Tổng thống Trump, ông Biden cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần phải được cải tổ và nâng cao khả năng đối phó với “các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc”, theo FT.
Về cuộc thương chiến hiện tại với Trung Quốc, mặc dù ông Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn, tuy nhiên, cụ thể những chính sách này sẽ như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.
Tờ FT đánh giá tổng thống tân cử sẽ khó có khả năng lặp lại các đòn thuế quan mà ông Trump đã làm trước đó. Và tuỳ vào diễn biến cuộc chiến, ông Biden có thể sẽ có những chính sách cụ thể sau đó, phù hợp với quan điểm "cứng rắn với Trung Quốc" của ông và của cả lưỡng viện Mỹ.
Còn về mối quan hệ thương mại với châu Âu, sẽ không lạ nếu ông Biden thực hiện những chính sách xích lại gần hơn với khối này. Tuy nhiên, vấn đề mà chính quyền mới đối mặt sẽ không đơn giản, đơn cử như những bất đồng trong việc đánh thuế các công ty công nghệ lớn hay trợ cấp hàng không.
Vấn đề nước Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ tiến hành vào tháng 1 tới và Anh sẽ cố gắng hoàn thành một thỏa thuận thương mại với Mỹ sau khi ông Biden nhậm chức. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông Biden cho biết điều này không nằm trong ưu tiên hàng đầu của tân tổng thống.
Các chuyên gia của tờ FT cho hay dù các vấn đề thương mại với châu Âu hay cuộc thương chiến với Trung Quốc sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng họ kỳ vọng những cuộc chiến này sẽ được tiếp tục bên trong các phòng họp chứ không phải qua mạng xã hội Twitter.
Nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Trong chương trình tranh cử của mình, ông Biden cam kết sẽ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà chính quyền Tổng thống Trump vừa chính thức rút khỏi vào hôm 4/11.
Ông Biden tuyên bố sẽ tích hợp các mục tiêu chống biến đổi khí hậu vào các chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia và thương mại của nước Mỹ trong nhiệm kỳ của mình. Đơn cử như việc đặt mục tiêu nước Mỹ sẽ không phát thải ròng vào năm 2050, sẽ hoàn toàn dựa vào và thậm chí là xuất khẩu năng lượng sạch.
Ông cũng tuyên bố nước Mỹ sẽ dẫn đầu một nỗ lực toàn cầu nhằm buộc các quốc gia thải ra khí carbon đáng kể - trong đó có Trung Quốc, phải đặt các mục tiêu minh bạch, thực tế hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chung của toàn cầu.
Tờ Nikkie Asia gần đây cho hay Nhật và Trung Quốc đều đưa ra cam kết sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - mà trong đó có carbon, ở các nước này xuống mức 0 lần lượt vào năm 2050 và 2060.
Động thái này của Nhật và Trung Quốc được nhiều quốc gia khác hoan nghênh, đồng thời cũng đặt thêm áp lực cho ông Biden trong việc cải thiện các mục tiêu của Mỹ, thậm chí là giành lại vị trí lãnh đạo của nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kiều Minh TrangKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.