Kỳ vọng vào Luật Chứng khoán mới
Ngày 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra toạ đàm "Sự vươn lên của thị trường Chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19" thu hút đông đảo các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp niêm yết.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định: Thị trường Chứng khoán Việt Nam đã lấy lại những gì đã mất hồi đầu năm và quay về mức của cuối năm 2019.
'Năm 2020 là một năm đầy biến động, chúng ta đã chứng kiến thời điểm thị trường tăng, giảm mạnh đặc biệt trong quý I do ảnh hưởng của Coivd 19. VN-Index giảm 33% trong quý I/2020. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phục hồi khá tốt và có thể nói là tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP', bà Tạ Thanh Bình chia sẻ.
Dưới góc độ các công ty chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư CTCP chứng khoán VPS khái quát: Về bức tranh thị phần môi giới chứng khoán trên HoSE, HNX, UpCOM 9 tháng năm 2020 đã có những biến động lớn.
Thị trường phái sinh giao dịch rất sôi động từ đầu năm. Chứng quyền có bảo đảm cùng những sản phẩm khác ra đời cho thấy xu thế phát triển và chúng ta đang đi đúng hướng. Các công ty chứng khoán cũng phải thích nghi, chú ý hơn đến nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân, phục vụ đa dạng cho các nhà đầu tư hiện tại và trong tương lai.
Rất nhiều nhóm cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, thép, tiêu dùng,... đều tăng tốt. Thanh khoản năm nay cũng đã tăng mạnh 35-40% so với năm 2019 đặc biệt từ tháng 4. Số tiền giải ngân lớn và được quay vòng trong thị trường thì VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Trong quý IV, các nhóm ngành được dự báo tăng trưởng tốt đồng thời NHNN đang duy trì lãi suất thấp giúp dòng tiền đổ vào thị trường.
Với quan điểm thận trọng, ông Khánh cho rằng VN-Index có thể quay về vùng 980-1.000 điểm cuối năm 2020.
Các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tươi sáng trong năm 2021.
Theo đó, thị trường đang chờ đón một lớp nhà đầu tư mới chưa tham gia và bắt đầu tham gia và kỳ vọng sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Đây là những nhà đầu tư đang tìm hiểu thị trường và phân bổ danh mục đầu tư sang cổ phiếu, trái phiếu.
Hiện thị trường có 2,6 triệu tài khoản giao dịch. Ủy ban Chứng khoán đặt kỳ vọng là 2020 đạt 3% dân số có tài khoản, 2025 đạt 5% dân số tài khoản Chứng khoán. 'Với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp giúp nguồn tiền lớn trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. So với rất nhiều nước trên thế giới, số lượng nhà đầu tư mới đầu tư trên thị trường chứng khoán rất nhiều.
Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp với P/E khoảng 16. Dòng tiền luân chuyển khá tốt qua các nhóm cổ phiếu như ngân hàng (CTG, VPB, TCB,...) nhóm thép (HPG, HSG) hay nhóm chứng khoán, công nghệ,...thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư. Nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Bản thân tôi cho rằng thị trường sẽ sớm quay lại mốc 990 – 1000 điểm trong cuối năm 2020", ông Khánh phân tích.
Hướng đi của UBCK quyết liệt khiến các công ty chứng khoán cũng phải thay đổi nhanh. Cơ cấu lại thị trường thông qua xếp loại nhà đầu tư, hướng đến tăng nhà đầu tư chuyên nghiệp chịu đựng được rủi ro. Định hướng rằng các thị trường cần hướng đến và gia tăng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cơ cấu, phân mảng loại đầu tư là các bước đi dần dần đảm bảo các nhà đầu tư mới vào thị trường, có thể đi vào những mảng thị trường tốt hơn còn lại nhà đầu tư chuyên nghiệp dám đi vào những thị trường rủi ro cao", ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (UBCKNN) chia sẻ.
Thị trường cũng kỳ vọng vào hành lang pháp lý mới. Luật chứng khoán có hiệu lực từ 1/7/2020 và sẽ được thi hành từ 1/1/2021 cùng 4 thông tư đang được xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững.Theo đó, thị trươngf kỳ vọng hàng loạt thay đổi lớn như: Chỉnh sửa chi tiết hoá quyết định phát hành chứng chỉ lưu ký nước ngoài, có thể mang tới cơ hội lớn hơn cho các công ty VN. Sửa chính sách chào bán công khai: phát hành cổ phiếu có hướng dẫn chưa đầy đủ nên chưa chào bán được. CCP ra đời thay đổi cơ cấu thị trường, xuất hiện thành viên bù trừ, thị trường được kỳ vọng bỏ được pre-funding thị trường sẽ hấp dẫn hơn.
Năm 2021 sẽ phân mảng thị trường tốt hơn, ra mắt nhiều sản phẩm tốt hơn. Đối với các công ty chứng khoán, dịch vụ được mở rộng hơn, các dịch vụ chưa được chính thức hoá sẽ được chính thức hoá: phối hợp Ngân hàng cho vay, chào bán Sản phẩm tài chính…
Trong 2021, dự kiến phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường thông qua gói thầu hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn thị trường (gói thầu KRX), giúp hiện đại hoá thị trường tạo nên đột phá cho thị trường.
Danh mục lĩnh vực đầu tư kinh doanh hạn chế tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần được rút ngắn. Cũng trong năm 2021 sẽ có cơ chế bán khống chứng khoán chờ về. "Trong lần thay đổi pháp lý lần này, đưa CCP cho thị trường cơ sở. Các nghiệp vụ chưa triển khai đc, hoặc vướng mắc khi quốc tế xem xét nâng hạng cho Việt Nam đó là ký quỹ 100% khi đặt lệnh mua, bán. Với CCP, ta có thể tháo gỡ vấn đề này. Nhà đầu tư chỉ cần 10-20% giá trị đặt mua", Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết.
"Quan điểm chung của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán được đồng tình của nhiều thành viên thị trường là sự tôn trọng sự vận hành tự nhiên của thị trường, hạn chế can thiệp "thô bạo" vào thị trường. Chúng ta đang điều hành thị trường theo hướng phát triển bền vững", bà Tạ Thanh Bình nhấn mạnh.
Mỹ Uyên (t/h)Giá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.