Kỳ vọng vào "sóng" đầu tư công cuối năm, cổ phiếu xi măng, thép đồng loạt tăng trần trong phiên 15/9

Chứng khoán
03:16 PM 15/09/2021

Áp lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là cơ hội cho hàng loạt nhóm ngành liên quan được hưởng lợi, trong đó trực tiếp nhất phải kể đến nhóm "thượng nguồn", đóng vai trò thiết yếu là vật liệu xây dựng như xi măng, thép.

Thống kê sau 8 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 187.285 tỷ đồng, tương ứng đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 46,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Sau 7 tháng đầu năm ghi nhận khởi sắc từ giải ngân đầu tư công, đã có tín hiệu chững lại trong tháng 8, chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Từ nay đến cuối năm, "sức ép" thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa, đảm bảo cho việc hoàn thành mục tiêu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư công được xem là "đầu kéo" quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn đầy khó khăn này. Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là cơ hội cho hàng loạt nhóm ngành liên quan được hưởng lợi, trong đó trực tiếp nhất phải kể đến nhóm "thượng nguồn", đóng vai trò thiết yếu là vật liệu xây dựng như xi măng, thép. 

Ghi nhận trong phiên 15/9, hàng loạt cổ phiếu xi măng đã tăng kịch trần, cụ thể như HT1 tăng 7% lên 23.050 đồng; BTS tăng 9,8% lên 9.000 đồng; HOM tăng 9,3% lên 8.200 đồng. Một số cổ phiếu như Xi măng Bỉm Sơn (BCC) cũng tăng 7,1%; Xi măng Quán Triều VVMI (CQT) tăng 10,8%, Xi măng La Hiên tăng 6,9%...

Kỳ vọng vào sóng đầu tư công cuối năm, cổ phiếu xi măng, thép đồng loạt tăng trần trong phiên 15/9 - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu xi măng trong phiên 15/9

Cùng với các cổ phiếu xi măng, phiên 15/9 cũng chứng khiến các cổ phiếu thép có giao dịch khá tích cực như NKG, TLH, POM tăng trần, HSG cũng có thời điểm kịch trần, chốt phiên tăng 6,9% lên 46.750 đồng. Ngoài ra, HPG tăng nhẹ hơn với 2,6% lên 51.600 đồng, SMC tăng 5,1%, TVN tăng 9,4%...

Kỳ vọng vào sóng đầu tư công cuối năm, cổ phiếu xi măng, thép đồng loạt tăng trần trong phiên 15/9 - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu thép trong phiên 15/9

Đà tăng của nhóm cổ phiếu xi măng, thép có thể đến từ kỳ vọng về việc thúc đẩy nhanh kế hoạch giải ngân đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021, khi mức độ hiện tại vẫn đang còn thấp. Theo đó, dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua địa phận 13 tỉnh, tới hết 22/7 mới chỉ ghi nhận giải ngân đạt 6,929 tỷ đồng, tương ứng 46% kế hoạch 2021. Hay dự án sân bay Long Thành đạt mức giải ngân 836 tỷ đồng, xấp xỉ 18% kế hoạch trong năm nay.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, đầu tư công là vũ khí chống lại suy giảm kinh tế trong giai đoạn tới đây. Qua đó, ngành VLXD (thép, xi măng, đá cát, nhựa, nhựa đường) được xem là một trong ba nhóm ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ "sóng" đầu tư công. Đặc biệt, cơ hội đầu tư vẫn còn khi mà cao điểm giải ngân đầu tư công vẫn nằm ở trung hạn giai đoạn 2022-2025.

Đồng quan điểm, Agriseco Research đánh giá, ngành được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công có nhóm "thượng nguồn" như vật liệu xây dựng (HPG, HSG, HT1, BCC, KSB), hơn nữa các doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia vào các dự án đầu tư công trong quá khứ và có vị thế đầu ngành, lợi thế cạnh tranh sẽ nắm lợi thế lớn. Báo cáo cũng khuyến nghị, các nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội phù hợp để tham gia với thời gian nắm giữ từ 6 tháng đến 1 năm.

Phương Linh
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.