Kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục bứt phá trong năm 2021

Đầu tư và Tiếp thị
10:27 AM 02/02/2021

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2021 của Việt Nam đạt mức tăng khá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 12/2020 và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 1,45 tỷ USD, tăng mạnh tới 72% so với cùng kỳ 2020. 3 nhóm hàng, gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may vẫn duy trì kim ngạch tỷ USD như thời điểm 1 năm trước. Điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 2,86 tỷ USD, tăng tới gần 1,5 tỷ USD (cùng kỳ 2020 đạt hơn 1,3 tỷ USD). Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 với 1,7 tỷ USD, tăng hơn 10%; dệt may đạt gần 1,23 tỷ USD.

Kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục bứt phá trong năm 2021 - Ảnh 1.

Xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt hơn khi hàng loạt các đơn hàng nông, thủy sản đã được doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường: EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia và Trung Quốc. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%.

Có thể nói, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, chúng ta đã tận dụng tối đa các lợi thế, tiếp tục giữ đà xuất khẩu. Với những kết quả đạt được, nhiều chuyên gia dự báo, năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phục hồi, khởi sắc hơn và xuất khẩu chắc chắn cũng tăng mạnh cùng đà tăng trưởng kinh tế. 

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, thế giới hiện nay là môi trường có bối cảnh mới với nhiều yếu tố khó lường, khó đoán định. Tuy nhiên cũng phải khẳng định năm 2021 và những năm tới sẽ là những năm về cơ bản có được điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các FTA đã ký kết và sẽ ký kết; những chú trọng chính sách của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và quyết sách của Chính phủ trong hàng loạt khía cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cách chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật,…

Kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục bứt phá trong năm 2021 - Ảnh 2.

Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã có mặt tại thị trường châu Âu

“Tôi tin năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phát triển, thậm chí là tăng tốc của Việt Nam trong đó có cả khía cạnh hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu. Chúng tôi đã xây dựng những mục tiêu với những kịch bản cụ thể và thông qua cho năm 2021, về cơ bản vẫn duy trì xu thế chung trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như thương mại quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững với mục tiêu đề ra là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2020; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu trong năm 2021, giải pháp mấu chốt mà ngành công thương triển khai là ưu tiên các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam (sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán…).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực.

Thứ nhất, các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã và đang trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên.

Thứ hai, năm 2021 cũng kỳ vọng sự dịch chuyển luồng đầu tư của các DN FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Mặt khác, từ những nền tảng của năm 2020, khi xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước, Việt Nam càng có thêm niềm tin xuất khẩu hàng hoá sẽ tiếp tục lập kỳ tích trong năm 2021.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn