Kỳ vọng xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỉ USD trong năm 2024

Xuất nhập khẩu
12:40 PM 24/02/2024

Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam được nhận định sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10% đến 15% và dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 23/2 tại Bạc Liêu, bà Trần Thụy Quế Phương - Chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 100 thị trường và nằm trong Top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia về xuất khẩu.

Tôm Việt Nam chiếm vị trí nhất định tại các thị trường chính. Cụ thể, đứng thứ tư tại thị trường Hoa Kỳ; đứng thứ thứ 3 tại thị trường Trung Quốc; đứng thứ 2 tại thị trường EU; thứ nhất tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.

Kỳ vọng xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỉ USD trong năm 2024- Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm kỳ vọng sẽ đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Internet

Tuy nhiên bà Phương đánh giá, những yếu tố tiêu cực trong năm 2023 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024, vì thế dự đoán ngành tôm toàn cầu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng kém trong năm nay.

Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.

Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc được nhận định sẽ tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40 - 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Do những ảnh hưởng của biến động do xung đột chính trị, những biến động ở Trung Đông dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sẽ là lợi thế. Ngoài ra, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Việt Nam giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).

Mặt khác, hiện tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Các cơ sở trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất,… Đây là những khó khăn mà ngành hàng này đang phải đối mặt.

Theo thống kê của Cục Thủy sản, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến đạt 4 - 4,3 tỷ USD trong năm 2024. Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu tiếp tục tăng khoảng 4,8% trong năm 2024. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.