Lai Châu: Gian nan con đường đến trường

Địa phương
12:24 PM 31/08/2022

Năm học mới 2022-2023 đã bắt đầu song tại Trường Tiểu học xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn thiếu thốn về đồ dùng học tập, không có đủ sách để đến trường...

Phúc Than là xã có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, tổng diện tích tự nhiên là 6283,85 ha. Phúc Than nằm ở phía Bắc của huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cách trung tâm huyện 9 km. Xã có 18 thôn bản với 2.220 hộ/10.559 nhân khẩu, trong đó dân tộc thái chiếm 65,1%; dân tộc Mông chiếm 24,8%, dân tộc Dao chiếm 3,8%, dân tộc Kinh chiếm 6,2% còn lại là các dân tộc khác. Xã còn 5 bản đặc biệt khó khăn (Sam Sẩu, Sắp Ngụa, Nậm Vai, Che Bó, Noong Thăng). 

Cô giáo Lò Thị Quyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 2 A4 chia sẻ: "Tôi tình nguyện lên Lai Châu tham gia giảng dạy từ năm 2005. Cuộc sống của đồng bào nơi đây rất khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ điều. Nhiều trẻ em không thể đến trường vì quãng đường quá xa, phải vượt qua cả quả núi, các con suối mới đến được trường. Các con còn nhỏ nên việc di chuyển như thế là vô cùng vất vả, nguy hiểm. Nhà trường phải cắt cử giáo viên đến hỗ trợ cho các trường hợp đặc biệt khó khăn như vậy. 

Chúng tôi thường xuyên chia sẻ cho các con gạo, muối, mì tôm cho các con ăn để có đủ dinh dưỡng nhưng cũng chỉ bù đắp được phần nào những khó khăn của nơi đây. Có nhiều giáo viên bỏ tiền túi của mình ra mua sách, vở, đồ dùng học tập cho các con nhưng lượng học sinh nghèo rất đông, không bù đắp hết được".

Bữa trưa của các em học sinh và khu dành để nghỉ ngơi. Ảnh:  Nhà trường cung cấp

Dù mạng lưới trường lớp được mở rộng đã đáp ứng đủ nhu cầu học tập của nhân dân trong xã (xã có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ). Tuy nhiên do địa bàn xã rộng, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt (do ảnh hưởng của gió Khoeo co kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 của năm sau) nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tỉ lệ chuyên cần của nhà trường và của học sinh.

Năm học 2022-2023, trường Tiểu học xã Phúc Than có 48 lớp, 1.285 học sinh, 223/223 học sinh 6 tuổi vào lớp 1, có 14 học sinh khuyết tật học hòa nhập, trung bình 26 học sinh/lớp.

Cả trường có 622 học sinh con hộ nghèo, học sinh thuộc thôn bản đặc biệt khó khăn; 14 học sinh khuyết tật trong đó 6 học sinh khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn khó khăn về kinh tế nên việc mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập và quần áo chưa được cha mẹ quan tâm.

Trên toàn xã có 6 điểm trường (bản Khì 2, Sang Ngà, Nà Phát, Nậm Vai, Sam Sẩu, Sắp Ngụa) cách điểm trường trung tâm  từ 4 km đến 7km nên khó khăn trong việc huy động học sinh điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm học.

Con đường đến trường của các em. Ảnh do nhà trường cung cấp

Trường có 433 học sinh phải mang cơm cặp lồng để ăn trưa tại trường do nhà xa trường, chất lượng bữa cơm trưa của các em không đảm bảo dinh dưỡng (cơm rau, mì tôm, cá khô). Theo quy định mới, các em không được hỗ trợ suất ăn bán trú như trước đây.

Ông Phan Bá Đại - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do trong xã học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc dạy học cho các học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh trong trường không có điều kiện mua sách, vở, đồ dùng học sinh để đi học. Khoảng cách từ nhà đến trường rất xa, có những em phải vượt qua 8km đường đèo dốc để đến trường. Do cơ chế đối với học bán trú không còn nên nhiều em học sinh phải mang cơm nắm đến trường để ăn. Gần 1/3 số học sinh trong trường thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Lai Châu: Nhiều học sinh nghèo không có sách để đến trường - Ảnh 4.

Trường Tiểu học Phúc Than

Chúng tôi đã kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ đồ dùng học tập, sách vở cho các em học sinh nhưng đến nay, đã cận kề ngày khai trường mà nhiều em vẫn chưa có đủ đồ dùng học sinh để đến trường. Đặc điểm khí hậu ở xã này là có gió Khoeo co kéo dài từ tháng 10 (âm lịch) đến tháng 3 (âm lịch) của năm sau, gió này mang không khí rất lạnh và rét hơn tất cả các địa phương khác trên địa bàn huyện nhưng nhiều em học sinh không đủ quần áo ấm để đến trường, nhìn các em co ro trong bộ quần áo mỏng manh, chúng tôi rất thương cảm nhưng chưa giúp được gì nhiều cho các em".

Mọi sự đóng góp xin gửi về: Trường tiểu học xã Phúc Than

Địa chỉ: Xóm 9 - xã Phúc Than - huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu

Số tài khoản: 7805215021865 - Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ tài khoản: Phan Bá Đại - Hiệu trưởng nhà trường.

Rất mong sự hỗ trợ từ cộng đồng cho các em nhỏ vùng cao.

Thành Trung
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).