Lãi suất cho vay sẽ giảm đồng loạt từ tuần sau?
Đầu tuần tới, NHNN sẽ có cuộc họp với các ngân hàng thương mại lớn để thảo luận về các bước đi tiếp theo khi thực hiện giảm lãi suất cho vay.
Ngày 29/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Cuối tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, 4 NHTM Nhà nước và 12 NHTM cổ phần,…và yêu cầu các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu. Tại cuộc họp, NHNN đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất với những mức cụ thể trong tháng 7 này.
Nguồn tin của chúng tôi cho biết, đầu tuần tới, các ngân hàng sẽ có thêm 1 cuộc họp với cơ quan quản lý để thảo luận về các bước đi tiếp theo khi thực hiện giảm lãi suất. Các ngân hàng tham gia cuộc họp gồm: Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, TPBank, SHB, VPBank, VIB, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank.
Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, các ngân hàng đã nhiều đợt giảm lãi suất cho cả dư nợ mới và dư nợ hiện hữu để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trước những khó khăn do dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, đặt biệt là đợt bùng phát từ 27/4 đến nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, năm 2021 cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 31/5/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến tháng 6/2021 là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.
Dù vậy, cũng có nhiều phân tích chỉ ra, lãi suất cho vay không giảm mạnh như lãi suất huy động, giúp các ngân hàng tiếp tục lãi lớn thời gian vừa qua, trong khi doanh nghiệp vẫn khó khăn vì dịch bệnh. Quý 2/2021, một số ngân hàng tiếp tục báo lãi 6 tháng đầu năm cao kỷ lục.
Trong dự báo mới đây, Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận của BIDV sẽ tăng 51% trong quý 2, Vietcombank tăng 11% và các ngân hàng tư nhân như ACB, HDBank, MB, MSB, Techcombank, VIB, VPBank,... đều được dự báo tăng trên 30%. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, theo SSI là nhờ NIM (biên lãi ròng) mở rộng so với cùng kỳ.
Ngân hàng lãi lớn khiến nhiều doanh nghiệp ôm kỳ vọng, trông chờ vào một mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhất là khi lãi suất huy động ngày càng giảm. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ phổ biến từ 3-4%/năm, 6 tháng là 4-6%/năm; 9 tháng là 4-6,5%/năm và ở các kỳ hạn từ 1 năm trở lên, lãi suất khoảng 5-7%/năm.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.