Lãi suất điều hành có thể tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022

Ngân hàng
10:02 AM 13/04/2022

Ngân hàng HSBC cho rằng, rủi ro lạm phát gia tăng nên cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ và điều này sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022.

Ngân hàng HSBC vừa phát hành báo cáo “Vietnam at a glance – Bước đi thận trọng”. Các chuyên gia HSBC đã đẩy dự báo mức điều chỉnh lãi suất điều hành tăng thêm 50 điểm trong quý 3/2022. Điều này sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022.

Lãi suất điều hành có thể tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Thương Trường

Mức dự báo trên được đưa ra bởi theo HSBC, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Đồng quan điểm, các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán BSC cho rằng, với xu hướng lạm phát đang gia tăng, Việt Nam dự kiến vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong quý II và quý III/2022 và bắt đầu nâng lãi suất kể từ quý IV theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của thế giới.

Trong bối cảnh đó, tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đánh giá: "NHNN cần tiếp tục giữ nguyên lãi suất, qua đó giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và quản lý rủi ro lạm phát. Nhờ đó, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tăng tốc rõ rệt ngay từ quý I/2022. Dự báo tăng trưởng là 6,7% cho năm 2022 và 7% cho năm 2023".

Tại cuộc họp mới đây Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng phải thừa nhận, nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Mặc dù vậy, NHNN tới thời điểm này chưa có động thái nào cho thấy sẽ sớm "đảo chiều" chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách lãi suất khi áp lực lạm phát ngày càng tăng.

Còn tại các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng ngay trong quý II/2022, mặc dù mức tăng này được các tổ chức tín dụng kỳ vọng chỉ giao động từ 0,03-0,06 điểm % trong quý II/2022 và 0,13-0,18 điểm % trong cả năm 2022.

Cùng với đó, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II/2022 và tăng 11,4% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% tại kỳ điều tra trước.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6

Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.