Lãi suất giảm liên tục, trăm ngàn tỷ ứ đọng trong ngân hàng

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:38 AM 07/07/2020

Thanh khoản hệ thống ngân hàng liên tục trong tình trạng dư thừa từ đầu năm đến nay. Đầu tháng 7, một loạt ngân hàng lại quyết định giảm lãi suất. Nền kinh tế không hấp thụ được vốn, DN đối mặt nhiều khó khăn.

    Thừa vốn

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,45%. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn vượt xa tăng trưởng tín dụng.

    Còn Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại nhiều địa phương đang có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay. Trong khi dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp thì tiền tiết kiệm vẫn đổ về ngân hàng. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm. Các ngân hàng mong muốn tìm được khách hàng để cho vay, nhưng nhu cầu vay mới chưa nhiều.

    Các ngân hàng đang dồi dào tiền mặt

    Thanh khoản hệ thống ngân hàng liên tục trong tình trạng dư thừa từ đầu năm đến nay, các nhà băng gặp khó khăn trong hoạt động cho vay, vì vậy lãi suất liên tục  giảm.

    Trong tháng 6 vừa qua, các tổ chức tín dụng đã có thêm một đợt giảm lãi suất từ 0,2- 0,4 điểm phần trăm. Sang tháng 7, một loạt ngân hàng lại quyết định giảm lãi suất huy động.

    Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh giảm từ 0,4-0,5 điểm phần trăm so với mức lãi suất niêm yết trước đó, đưa lãi suất của nhà băng này chỉ còn từ 3,7%/năm (với kỳ hạn 1 tháng) đến 6,1%/năm (cho kỳ hạn 12 tháng). Tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV), lãi suất giảm từ 0,25-0,5 điểm phân trăm, còn 3,7%/năm (kỳ hạn 1 tháng) đến 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng).

    Ngân hàng Quốc Dân (NCB), vốn giữ mức lãi suất cao hàng đầu hệ thống, cũng liên tục giảm lãi suất các kỳ hạn trong tháng 6 và tháng 7. Nếu tháng 6 lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,45% /năm (lĩnh lãi cuối kỳ) thì sang tháng 7 giảm còn 7,25%/năm. Kỳ hạn 12 tháng đã giảm từ 7,8%/năm còn 7,5%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ). Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đã giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 7, kỳ hạn 1 tháng chỉ còn từ 3,4-3,6%/năm và lãi suất cao nhất là 6,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng với các khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên.

    Ngân hàng Sài gòn Thương tín (Sacombank) cũng điều chỉnh lãi suất từ ngày 2/7. Theo đó, đối với khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3,9-4,05%/năm, còn lãi suất cao nhất là 7,8%/năm dành cho kỳ hạn13 tháng, số tiền gửi từ 100 tỷ trở lên; dưới 100 tỷ thì chỉ 6,5%/năm. Các ngân hàng khác cũng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất, với mức giảm phổ biến 0,2-0,3 điểm phần trăm.

    Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,4%-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ  4,9%-7,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5%-7,9%/năm.

    Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI tăng, trong khi lãi suất huy động giảm khiến gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, khách hàng vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Gửi trực tuyến tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ sẽ được hưởng lãi suất cao hơn.

    DN khó khăn, nguy cơ thất nghiệp tăng

    Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay. Từ đầu tháng 7, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,2-0,5 điểm phần trăm, so với lãi suất hiện hành, nhằm giải quyết nguồn vốn dư thừa.

    Gửi tiền ngân hàng không lãi nhiều vì lãi suất thấp, lạm phát cao

    Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 16/6/2020, cho vay các DN nhỏ và vừa giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cũng có nghĩa là rất ít DN nhỏ và vừa, vốn chiếm trên 90% tổng số DN cả nước, vay vốn mới từ ngân hàng.

    Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ngoài những DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng thì có nhiều DN do hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp khó khăn, không có nhu cầu vay vốn, hoặc lãi suất cho vay cao, tính ra không hiệu quả nên không vay.

    Trở lại thời điểm 6 tháng đầu năm 2019, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,09% và tăng trưởng tín dụng đạt 6,22% so với cùng kỳ năm trước, tức là không có hiện tượng dư thừa vốn lớn như năm nay.

    Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi ngân hàng thừa tiền cũng có nghĩa là nền kinh tế không hấp thụ được. Hoạt động sản xuất của DN vẫn gặp khó khăn, như vậy sẽ kéo theo hiện tượng dư thừa lao động.

    Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, 6 tháng đầu năm, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng, trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất 5 năm trở lại đây.

    Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Kết quả giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 540.000 lao động, bằng 36,5% kế hoạch năm. Hơn 565.000 người đã nộp hồ sơ thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định, từ nay đến cuối năm, lĩnh vực lao động, việc làm tiếp tục gặp khó khăn. 

    Ngoài ra, khi tín dụng tăng trưởng thấp, ngân hàng thừa tiền có thể tạo ra nguy cơ về bong bóng trái phiếu, lạm phát và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay.

    Ý kiến của bạn
    VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên

    Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.