Lãi suất giảm, tiền người dân gửi vào ngân hàng vẫn tăng kỷ lục
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 4/2023, tổng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 467.000 tỷ đồng (7,96%) so với cuối năm 2022.
Tính đến cuối tháng 4, tiền gửi người dân trong hệ thống ngân hàng tăng thêm 52.000 tỷ đồng so với cuối tháng 3, lên 6,332 triệu tỷ đồng. Con số này tăng 7,96% so với cuối năm 2022, tương ứng 467.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đây là tháng có mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm đến nay và xu hướng tiền gửi đang tăng chậm dần trong những tháng đầu năm.
Cụ thể, trong tháng 1, lượng tiền gửi tăng 178.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tháng 2 tăng 136.000 tỷ đồng so với tháng 1, tháng 3 tăng 101.000 tỷ đồng so với tháng 2. Đến cuối tháng 4, lượng tiền gửi tăng chỉ còn 1 nửa tháng 3, ở mức 52.000 tỷ đồng. So với tháng 4/2022, lượng tiền gửi của người dân đã tăng 800.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này là do tháng 1 - 2, lãi suất tiết kiệm tiền đồng trên thị trường tăng mạnh, xuất hiện các mức từ 10 - 12%/năm đã thu hút lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng.
Trái lại với tiền gửi của dân cư, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm. Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 4, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 5,6 triệu tỉ, giảm 8.833 tỉ đồng. Còn so với cuối năm 2022, số tiền giảm gần 300.000 tỉ đồng, bằng 5%.
Tại buổi họp báo quý 2/2023 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, lượng tiền gửi trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang dư thừa.
Điều này cho thấy gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang là lựa chọn an toàn hàng đầu với cư dân trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán không còn hấp dẫn như trước.
So với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7%/năm. Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm ngoái.
Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.