Lãi suất tiền gửi tăng nhẹ để cơ cấu lại nguồn vốn

Ngân hàng
08:57 AM 02/03/2024

Lãi suất tiền gửi tăng nhẹ ở kỳ ngắn hạn phần lớn là do nhu cầu cục bộ ở 1 số ngân hàng nhỏ để cơ cấu lại nguồn vốn.

Sau giai đoạn các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, thì mới đây, bắt đầu có một số ngân hàng thương mại rục rịch tăng nhẹ lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,4 điểm % như Techcombank, Sacombank, BVBank, ACB. Sự điều chỉnh này được nhìn nhận như một biện pháp thu hút thêm tiền gửi sau dịp Tết Nguyên đán.

Lãi suất tiền gửi tăng nhẹ để cơ cấu lại nguồn vốn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Lãi suất tăng nhẹ chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, các kỳ hạn dưới 5 tháng ở nhóm ngân hàng cổ phần, phổ biến từ 2,5-3,8%/năm. Riêng với tiền gửi 12 tháng vẫn dao động trên dưới 5%/năm. Các chuyên gia nhận định, việc một vài ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất xuất phát từ nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn của chính ngân hàng đó.

Có thể thấy, việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này có mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.

Không chỉ lãi suất đầu vào tại một số ngân hàng, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng bật tăng trong 3 phiên liên tục, có lúc tăng vọt lên mức 4,14%/năm, tạo ra tâm lý “bất an” cho giới đầu tư tài chính. Bởi, mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng luôn duy trì ở mức thấp trong suốt một giai đoạn dài, từ cuối năm 2023 sang đầu năm 2024 chỉ loanh quanh ở mức rất thấp khoảng 0,14 – 0,18%/năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, diễn biến đó chỉ là tạm thời và thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái ổn định.

Tăng lãi suất để hút tiền gửi đầu năm là hoạt động thường thấy của các ngân hàng dịp năm mới. Nhất là khi năm nay, các ngân hàng thương mại đã được giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, đòi hỏi họ phải có lượng vốn để sẵn sàng cho vay. Dù hiện tại, tín dụng đang tăng trưởng âm, nhưng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi.

Chia sẻ với báo chí, ông Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết: "Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất kinh doanh, nhu cầu về tiền mặt trong thanh toán của các ngân hàng thương mại gia tăng đột biến, 1 vài ngân hàng có hiện tượng tăng lãi suất huy động nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình".

Các chuyên gia cũng lưu ý, lãi suất tiền gửi chủ yếu nhích tăng ở kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất liên ngân hàng đã bắt đầu hạ nhiệt. Vì thế, đợt điều chỉnh này phần lớn là do nhu cầu cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, còn thanh khoản hệ thống vẫn khá dồi dào, sẵn sàng tiếp vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia MBS dự báo, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 - 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn