Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6
Sau nhiều tháng đứng ở mức thấp, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng trở lại. Trải qua 1 tuần của tháng 6 đã có hơn 10 ngân hàng thông báo tăng biểu lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân.
Tiếp nối đà tăng lãi suất tháng 5, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có hơn 10 nhà băng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm, đánh dấu đợt tăng lãi suất huy động của ngành ngân hàng vẫn chưa dừng lại, bất chấp động thái giữ nguyên lãi suất của 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank).
Hiện nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi trên 5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12-36 tháng. Lãi suất huy động cao nhất đang là 6,1%/năm được OceanBank áp dụng cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng, 6%/năm kỳ hạn 24 tháng.
Tương tự, OCB cũng áp dụng cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng, với lãi suất cao nhất 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 12-18 tháng tại OceanBank đang cao nhất thị trường. Kỳ hạn 12 tháng là 5,4%/năm, kỳ hạn 18 tháng là 5,9%/năm.
HDBank cũng đang dẫn đầu ở kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất lên đến 5,9%/năm. Còn tại VietBank, NCB cùng kỳ hạn đang được áp mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8%/năm, NCB lãi suất 5,7%/năm, Saigonbank, LPBank cùng mức 5,6%/năm.
Trong nhóm Ngân hàng Thương mại Nhà nước, VietinBank là ngân hàng duy nhất hiện duy trì mức lãi suất 5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. Vietcombank, Agribank và BIDV đều đang niêm yết lãi suất huy động dưới 5%/năm ở các kỳ hạn. Thậm chí lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tại Vietcombank và Agribank còn được niêm yết dưới 2%/năm.
Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,7-1%, quay về mức 5,3-5,6% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Thống kê của WiGroup cho biết trong tháng 5, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng tư nhân đã tăng 0,2-0,5 điểm % với các kỳ hạn ngắn. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh không có biến động về lãi suất.
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Tuy nhiên, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất ở kỳ hạn này sẽ giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn.
Sau các đợt tăng lãi suất dồn dập gần đây, các chuyên gia tại WiGroup cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định.
Dự báo về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, Dragon Capital cho rằng sau mức giảm mạnh 0,7-0,9 điểm % đầu năm, lãi suất huy động có thể tăng lại 0,3-0,5 điểm % trong các tháng tới. Đây có thể coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.
Theo quan sát của VDSC, xu hướng tăng lãi suất huy động có phần hạn chế, và chưa mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác. Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống vẫn đang thấp hơn 20-46 điểm cơ bản so với đầu năm.
VDSC dự báo lãi suất huy động trên thị trường có thể tăng nhưng mức tăng sẽ hạn chế. Kịch bản thuận lợi nhất là trở lại mặt bằng vào cuối năm 2023, như vậy sẽ không quá ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất cho vay.
Việc một số ngân hàng tăng lãi suất gần đây được giới phân tích cho rằng, có thể đến từ một vài lý do. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này.
Huyền My (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.