Lâm Đồng: Cần sớm có kết luận điều tra sai phạm quản lý đất đai theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an tỉnh điều tra những dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý đất đai, tự ý mở đường, phân lô, tách thửa với mục đích bán đất nền đồi chè tại thành phố Bảo Lộc. Những dấu hiệu sai phạm này đang như “nấm mọc sau mưa” trên các địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng.
Qyết liệt ngăn chặn sai phạm
Trước đó, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng trực tiếp kiểm tra một số khu vực san gạt, mở đường, phân lô bán nền ở các khu vực đồi chè nói riêng, đất nông nghiệp nói chung và các "dự án" bất động sản "lậu" thuộc thành phố Bảo Lộc.
Vụ việc này đã được các cơ quan báo chí và truyền thông phản ánh với hàng chục "dự án" bất động sản không được cấp phép nhưng vẫn rầm rộ làm đường giao thông và tự ý phân lô, sai quy hoạch trên đất nông nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, các dự án còn công khai quảng cáo, chào bán như những dự án được cấp phép nhằm đẩy giá, tạo ra sốt đất ảo trên địa bàn, gây rủi ro cho người có nhu cầu mua và hậu quả sẽ khó lường về sau này cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Hoạt động xây dựng trên các vùng nông sản lớn của Bảo Lộc diễn ra rầm rộ, ngang nhiên. "Thủ phủ chè của Việt Nam" trở thành một đại công trường trong thời gian dài nhưng UBND thành phố Bảo Lộc không quyết liệt trong việc kiểm tra và xử lý. Nghiêm trọng hơn, dù UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu nhưng UBND thành phố Bảo Lộc không có báo cáo cụ thể, kịp thời những bất cập trong công tác quản lý liên quan đến đất đai tại khu vực này.
Sau khi trực tiếp đến tận nơi và kiểm tra các hồ sơ liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định việc mở đường trên đất nông nghiệp dựa trên quy định về việc hiến đất là lách luật để tách thửa, phân lô.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những hoạt động mở đường, san gạt, tách thửa tại đồi trồng chè là sai phạm nghiêm trọng cần phải được làm rõ. Đồng thời, giao trách nhiệm các sở, ngành của tỉnh và UBND thành phố Bảo Lộc tiến hành đình chỉ hoạt động của các "dự án". Giao Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an thành phố Bảo Lộc chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan điều tra các sai phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai để xử lý theo quy định. Tạm đình chỉ hoạt động các "dự án" và tiến hành thống kê toàn bộ các khu vực san gạt, mở đường và phân lô, bán nền trên địa bàn để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, xử lý.
Theo tìm hiểu của PV, gần đây có thông tin làm đường cao tốc, hàng loạt các khu đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được hô biến thành các "dự án" như: Sun Valley (Bảo Lâm); Bảo Lộc Park Hill; Khu phân lô Dalat Hill, Khu Du lịch Sinh thái Lộc Châu, Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Đồng đã được mời chào và giới thiệu rất rầm rộ. Về pháp lý của những "dự án" này cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, đồng thời thông tin, tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thông tin đầy đủ, tránh những rủi ro và hệ luỵ sau này.
Biến đất nông nghiệp thành các dự án, khu nghỉ dưỡng: "Nấm mọc sau cơn mưa"
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo và thông tin trên mạng xã hội về việc môi giới buôn bán đất nền tự phân lô mang tên các khu nghỉ dưỡng, dự án đầu tư để thu hút người mua tại một số huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Riêng địa bàn huyện Lâm Hà, qua rà soát tại các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, thị trấn Nam Ban (cụm Nam Ban), Phúc Thọ, Tân Hà (cụm Tân Hà) đang có dấu hiệu xuất hiện tình trạng nêu trên.
Cùng một phương thức hiến đất làm đường, nhiều cá nhân tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) trong thời gian vừa qua sau khi gom mua đất đã tiến hành tách thửa trái quy định và phân lô xây dựng dự án bất động sản để bán.
Theo UBND huyện Lâm Hà, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện việc các hộ dân có nhu cầu tự nguyện hiến đất làm đường đi chung tại các xã, thị trấn diễn ra tương đối phổ biến với các mục đích: Mở đường đi chung cho các hộ dân xung quanh, đường đi phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc sử dụng đất của gia đình.
Các chủ trương đã được UBND huyện chấp thuận cho hiến đất và mở đường đi với quy mô đường giao thông nông thôn loại B theo Quyết định 4927/QĐ-BTGTVT chiều rộng mặt đường 3,5 – 5m, lề đất 0,5 – 1m mỗi bên, có kênh mương thoát nước dọc bên đường.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát một số nội dung có liên quan, mục đích hiến đất làm đường đi chung nhưng lại chủ yếu là phục vụ việc tự ý tách thửa sau đó. Để việc hiến đất, mở đường của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích và theo quy định, UBND huyện Lâm Hà đề nghị dừng toàn bộ việc cấp phép hồ sơ xin hiến đất đang thực hiện liên quan đến các chủ trương làm đường đi trên địa bàn.
Trước tình trạng này, lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lâm Hà cho biết: Để việc hiến đất mở đường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện được quản lý chặt chẽ đúng mục đích và theo quy định, UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo các phòng chuyên môn, địa phương trên địa bàn dừng toàn bộ công việc đang thực hiện liên quan đến các chủ trương cho tự nguyện hiến đất làm đường đi trên địa bàn. Quyết định này nhằm mục đích để việc hiến đất mở đường của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện Lâm Hà được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích và theo quy định.
UBND huyện Lâm Hà giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giải quyết các hồ sơ xin hiến đất làm đường theo quy định chuyên ngành và nội dung Quyết định 04/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng.
"Hiện chúng tôi tạm thời dừng cấp phép các thủ tục liên quan đối với 6 hồ sơ đang xin hiến đất làm đường đi chung để rà soát, kiểm tra kỹ, báo cáo UBND huyện. Riêng các hồ sơ xin hiến đất, làm đường mới của các cá nhân, tổ chức, chúng tôi vẫn xem xét, cấp phép theo quy định. Tuy nhiên, với các hồ sơ mới, quy trình kiểm tra, rà soát sẽ đảm bảo chặt chẽ, chính xác, không để tình trạng xin hiến đất làm đường đi chung, sau đó phục vụ mục đích tách thửa, phân lô bán nền trái quy định" - Lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lâm Hà thông tin.
Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ban hành ngày 19/1/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định: "Trường hợp tách hoặc hợp thửa, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận. Thửa đất mới hình thành phải đảm bảo các điều kiện như: tiếp giáp đường giao thông hiện hữu; nếu hình thành đường giao thông mới thì chiều rộng đường tối thiểu 5,5m (khu vực đô thị) hoặc 7m (khu vực nông thôn).
Đối với trường hợp thửa đất nông nghiệp thuộc quy hoạch sử dụng đất (hoặc quy hoạch phân khu) là đất ở mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa theo mục đích đất ở thì thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng một phần (hoặc toàn bộ thửa đất) sang đất ở theo quy định, sau đó lập thủ tục tách thửa theo quy định tại quyết định này.
Đất ở thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2. Với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa cũng là 500m2. Những thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, nếu thuộc quy hoạch đất ở mà muốn tách thửa đất ở đồng thời có đất nông nghiệp thì thực hiện theo quy định nêu trên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp không cần đảm bảo tối thiểu 500m2.
Nếu thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 nhưng diện tích đất ở chỉ thuộc một trong các thửa đất sau khi tách. Trường hợp tách đất ở ra thuộc các thửa đất khác nhau thì diện tích đất ở trong từng thửa đất sau khi tách tối thiểu phải 500m2.
Đoàn DuyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.