Lâm Đồng: Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành dệt may đang gia tăng
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã mở cửa trở lại làm việc sau thời gian chống dịch. Các DN này đang gia tăng tuyển dụng lao động để đảm bảo thời gian hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.
Nhu cầu lao động tăng cao
Xuất phát từ truyền thống nghề trồng dâu nuôi tằm và thương hiệu "Trà và Tơ lụa" nên TP. Bảo Lộc là nơi tập trung nhiều DN ngành dệt may của tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua các DN đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, trong đó có không ít lao động là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên vốn là nông dân bao đời gắn bó với việc canh tác nông nghiệp. Đồng thời đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang khan hiếm lao động. Ảnh minh họa
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nhiều nước là thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may từ Việt Nam đã dần ổn định, nên nhiều DN tiếp tục phục hồi được đơn hàng, có nhu cầu tuyển dụng lao động trở lại. Hiện các doanh nghiệp lớn ở đây như Cty TNHH may Sinh Việt, Cty May Nhà Bè, Cty TNHH Scavi, Cty TNHH Mekava Việt Nam, Cty TNHH May mặc First Team Việt Nam,… đều có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động.
Mới đây, Khu Công nghiệp Lộc Sơn vừa thu hút thêm 1 dự án đầu tư hoạt động trong ngành may, trong khi đó, nguồn cung lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo, có tay nghề cao ở địa phương còn hạn hẹp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nguồn lao động từ các tỉnh khác đến tìm việc cũng rất hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận công nhân chuyển đi làm công việc tự do hơn như chạy grab hay đi giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử...
Tăng cường chính sách cho người lao động
Ông Nguyễn Hương Sơn, Giám đốc nhà máy, Cty TNHH Mekava Việt Nam (Khu công nghiệp Lộc Sơn) cho biết, Cty có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 200 lao động với mức lương khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ tuyển dụng được 70 lao động. Để có thể tuyển đủ số lao động, ngoài mức tiền lương, Cty đã tính toán đến phương án tăng các chính sách đãi ngộ đối với công nhân: Như tăng tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp ăn ca, tiền thưởng chuyên cần.
Cũng nằm trong Khu Công nghiệp Lộc Sơn, đại diện Cty TNHH May mặc First Team Việt Nam chia sẻ, để kịp thời gian giao hàng theo đơn và thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất, Cty đang có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 1.000 lao động với mức lương 6,5-7,5 triệu đồng/tháng, trong đó ưu tiên tuyển dụng công nhân đã qua đào tạo, có tay nghề cao. Ngoài ra, thông qua LĐLĐ huyện và chính quyền các xã, phường, Cty tiếp tục hướng tới tuyển dụng công nhân là người người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên để đảm bảo tính ổn định lâu dài, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Cần tăng cường chính sách cho lao động ngành dệt may
"Trước tình hình sôi động của thị trường lao động nhất là ngành dệt may ở Lâm Đồng, LĐLĐ tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời đến các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền, vận động công nhân lao động chia sẻ, đồng hành cùng DN, hạn chế tình trạng "nhảy việc" do thiếu lao động cục bộ trong thời gian ngắn. CĐCS hỗ trợ DN trong thông tin tuyển dụng lao động, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động, kịp thời vận động phát triển mới đoàn viên công đoàn. Đồng thời phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định để duy trì việc làm lâu dài, thu nhập ổn định cho công nhân, kiên quyết không vì lợi ích vật chất trước mắt mà tạo sức ép, gây khó khăn cho doanh nghiệp,…" - ông Hoàng Liên - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Trương Hưng
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.