Làm gì để giảm số ca tử vong COVID-19 ở Việt Nam?

Sức khỏe
11:36 AM 18/12/2021

Số ca tử vong tăng 102,6% so với tháng trước, chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm đủ vaccine. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, các địa phương cần nâng cao năng lực của trung tâm hồi sức, nhanh chóng tiêm vaccine cho nhóm người nguy cơ cao.

Theo báo cáo ngày 16/12 của Bộ Y tế, so với tháng trước, số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%; số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%. Từ giữa tháng 10 đến tháng 11, số ca tử vong trung bình giảm sâu, xuống còn 60-70 một ngày. Giai đoạn này là thời điểm dịch COVID-19 tại TP HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ cơ bản kiểm soát và "thích ứng an toàn". Tuy nhiên, một tháng nay, số ca tử vong trung bình tăng mạnh trở lại, ở nhiều địa phương.

Tối 17/12, Bộ Y tế công bố thêm 246 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 243 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 29.103 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. So với châu Á, tổng số ca tử vong ở Việt Nam xếp thứ 9/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN), tỷ lệ tử vong trên một triệu dân đứng thứ 27 châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.912, trong đó 5.504 ca thở oxy qua mặt nạ, 1.283 ca thở oxy dòng cao HFNC, 140 ca thở máy không xâm lấn, 966 ca thở máy xâm lấn và 19 ca ECMO. Như vậy số ca nặng đang tiếp tục tăng cao.

F0 tử vong gấp đôi, làm gì để giảm số ca tử vong COVID-19 ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Phần lớn ca tử vong chưa tiêm vaccine, có bệnh nền, trên 50 tuổi

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy số lượng ca mắc tại các địa phương phía Nam tiếp tục tăng. Thực tế cho thấy phần lớn ca tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam là người trên 50 tuổi có bệnh nền và đa số chưa tiêm vaccine. Như TP HCM, hơn 93% F0 tử vong là có bệnh nền, thậm chí phần lớn có 2 bệnh nền trở lên, tuổi trên 70.

F0 tử vong gấp đôi, làm gì để giảm số ca tử vong COVID-19 ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Nguyên nhân khác khiến tăng số tử vong, theo Bộ Y tế, là do phân loại tình trạng bệnh lý của F0 từ y tế cơ sở chưa tốt, dẫn đến có người thuộc nhóm nguy cơ lại điều trị tại nhà thay vì vào bệnh viện. Ngoài ra, một số địa phương quản lý F0 tại nhà chưa chặt, không phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng, hoặc không can thiệp kịp thời, người bệnh dùng thuốc chưa đúng. Một số tỉnh chưa triển khai điều trị F0 tại nhà mà đưa tất cả vào bệnh viện, gây quá tải hệ thống y tế... Tại tầng điều trị 2, 3, việc điều phối chuyển viện, chuyển tầng cho bệnh nhân chưa hợp lý, năng lực điều trị còn kém.

Làm gì để giảm số ca tử vong?

Ông Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), nhận định số ca diễn biến nặng, tử vong tăng là "hệ quả tất yếu" khi số ca nhiễm tăng cao, y tế quá tải. Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số bệnh nhân diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, chính quyền và người dân không nên lấy lý do tiêm vaccine đủ để chủ quan. "Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm đủ vaccine", ông nói. Khoảng 85% ca tử vong tại TP HCM, An Giang... trong nhóm chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ hai mũi.

Trong bối cảnh thích ứng hiện nay, các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm tăng là trong dự đoán, điều quan trọng là kiểm soát tỷ lệ ca nặng và tỷ lệ tử vong. Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu giảm số ca tử vong, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia chiều 16/12. Một trong những giải pháp được Thủ tướng gợi ý là để giảm ca chuyển nặng, người dân cần được tiếp cận y tế sớm, từ cơ sở. Ông dẫn chứng người dân mắc COVID-19 phản ánh là không liên hệ được với cơ quan chức năng trên địa bàn, không được hỗ trợ kịp thời. "Vì vậy, các địa phương phải đáp ứng ngay nhu cầu về y tế của người dân", Thủ tướng nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trước số lượng ca tử vong do COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, các địa phương cần quản lý chặt chẽ F0, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực của các trung tâm hồi sức điều trị người bệnh COVID-19. Các tỉnh, thành phố phía Nam cần tăng cường quản lý người trên 50 tuổi có bệnh nền để chủ động giám sát, tiêm vaccine, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đi lại.

Trước thực trạng F0 gia tăng, lực lượng chuyên môn y tế thiếu, Bộ Y tế đã điều động nhân lực tại 16 bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ TP.HCM và 11 tỉnh, thành phía Nam trong công tác điều trị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở y tế các địa phương đề xuất với lãnh đạo ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố chỉ sử dụng lực lượng y tế cho công việc chuyên môn, lực lượng khác như đoàn thanh niên,... hỗ trợ làm việc hành chính. 

"Có như thế mới tạo nên sự phân bố nhân lực hợp lý", ông Nguyễn Trường Sơn nói. Trong công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý tại tầng điều trị 3 phải tiến hành giám sát các trường hợp tử vong, đánh giá nguyên nhân để có khuyến cáo phù hợp với các bệnh viện.

Liên quan đến thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay cơ quan này sẽ tiếp tục phân bổ cho các địa phương. Tuy nhiên, các tỉnh, thành khi nhận được thuốc phải sử dụng hiệu quả, hợp lý và có phương án cụ thể để sẵn sàng chuyển đến cho F0 điều trị tại nhà.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.