Làm gì để ngành nghề thủ công mỹ nghệ và dệt thêu không còn đơn lẻ tiếp cận thị trường?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
05:04 PM 24/09/2020

Từ góc nhìn tiếp cận thị trường, ngành thủ công mỹ nghệ và nhóm ngành dệt thêu bấy lâu nay chủ yếu hoạt động đơn lẻ, rất ít có sự đồng hành xúc tiến thương mại của nhà nước. Đó là một trong những bất cập lớn được chỉ ra tại cuộc hội thảo "Bảo tồn và phát triển nghề dệt thêu" do Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức chiều 23/9.

Làm gì để ngành nghề thủ công mỹ nghệ và dệt thêu không còn đơn lẻ tiếp cận thị trường? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu trong hội thảo (Ảnh: Lưu Đoàn)

Theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraf), từ năm 2010, cả nước có 177 làng nghề dệt và 341 làng nghề thêu và số này đang giảm nhanh trong những năm gần đây (khoảng 20% nếu so sánh với giai đoạn 2010 - 2020).

Bất cập

Tham dự chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu nêu rõ 9 vấn đề lớn của những ngành nghề này, đáng kể nhất là vùng nguyên liệu hiện đang bị thu hẹp, nguồn nhân lực hiện đang rất thiếu hụt và già hóa nhanh, nhu cầu đáp ứng quy chuẩn sản phẩm và nhu cầu thiết kế mẫu mã sản phẩm đang đòi hỏi ngày một khắt khe, đối lập với sự lai tạp văn hóa thương mại đang tác động bất lợi đến giá trị ngành nghề truyền thống, môi trường làng nghề, cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển bền vững nghành nghề dệt thêu…

Theo ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Vietcraf, nguồn nguyên liệu phục vụ các làng nghề dệt gồm có tơ tằm, sợi bông, sợi lanh và gần đây là sợi gai. Cả nước có 32 tỉnh thành có nghề trồng dâu nuôi tằm, tuy nhiên Việt Nam chưa tự sản xuất được nguồn trứng tằm mà vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua tiểu ngạch. Thêm vào đó, điều kiện môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của tằm.

Ngày càng thiếu lao động trẻ tại các làng dệt và thêu. Đa số lao động tham gia làm nghề tại các làng nghề như thêu Văn Lâm (Ninh Bình), lụa Vạn Phúc (Hà Nội) là lao động trên 35 tuổi, thậm trí có nhiều làng nghề chỉ còn lao động ngoài 50 tuổi. Việc giảm lao động tại các làng nghề có nguyên nhân từ sự biến động của thị trường, thiếu đầu tư vào sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, chương trình đào tạo nghề được tiến hành nhưng chưa gắn với nhu cầu thị trường…

Bản sắc văn hoá nghề thêu và dệt đang bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, nhiều hoa văn truyền thống bị thất truyền, tại nhiều nơi đang xảy ra tình trạng nhập khẩu hàng từ Trung Quốc và bán tràn lan thiếu kiểm soát làm giảm uy tín của làng nghề và gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin ở khách hàng.

Có đến 67,4% nhà nhập khẩu yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu hợp chuẩn của nước nhập khẩu và tỉ lệ này tăng hằng năm. Trong khi đó, chỉ có 20% tổng số doanh nghiệp thủ công của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn hợp khẩu. Điều này làm giảm cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

 Khó khăn

Bên cạnh việc thiếu trầm trọng địa điểm tổ chức chuyên nghiệp từ trước đến nay, các hội chợ tổ chức trong nước, nhìn chung hoạt động có rất ít hiệu quả. Các hội chợ (trừ Hội chợ Lifestyle Vietnam do Vietcraft tổ chức) còn chưa định hướng được phân khúc thị trường/ khách hàng, không có các hoạt động marketing chuyên nghiệp… nên không thu hút được doanh nghiệp và khách hàng. Việc tham gia các hội chợ quốc tế đem lại cơ hội rất tốt để tìm kiếm khách hàng nhưng do chi phí rất cao nên còn ít đơn vị có thể tham gia.

Ở góc độ khu vực, các quốc gia như Philippine, Thái Lan, Indonesia đang hỗ trợ rất tích cực để xây dựng và quảng bá hình ảnh các sản phẩm thủ công của họ đặc biệt là ở các Hội chợ quốc tế lớn như Ambiente và Heimtextil (Frankfurt, Đức), Maison et Objet (Paris, Pháp), NY Now (New York, Mỹ), Tokyo Giftshow (Nhật)…

Để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, hội thảo chỉ ra giải pháp tối thiểu 3 năm liên tục, mỗi năm Nhà nước nên bố trí ngân sách làm công tác xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp dệt và thêu tham dự tối thiểu 2 hội chợ hàng thủ công quốc tế, tập trung tại các hội chợ lớn như Ambiente và Heimtextil (Frankfurt, Đức), Maison et Objet (Paris, Pháp), NY Now (New York, Mỹ), Tokyo Giftshow (Nhật)…

Bên cạnh đó, cần xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược và lâu dài giữa 10 doanh nghiệp dệt và thêu đầu tàu của Việt Nam với 10 tập đoàn mua hàng lớn trên thế giới - đây là hoạt động rất quan trọng để phát triển toàn chuỗi giá trị dệt và thêu. Nâng cấp và hỗ trợ các hội chợ  chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong nước theo định hướng hội chợ xuất khẩu hoặc xuất khẩu tại chỗ. Đồng thời, xây dựng các chương trình truyền thông, các tài liệu quảng bá cho ngành một cách chuyên nghiệp.

Giải pháp   

Qua ý kiến tham luận, hội thảo đã tìm ra một số giải pháp bảo tồn và phát triển nghề dệt thêu trong thời gian tới.

Thứ nhất, sớm quy hoạch và triển khai vùng nguyên liệu bông ở các tỉnh Tây Bắc, tăng cường phát triển tập trung vùng nguyên liệu lanh ở Hà Giang và Hoà Bình để khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống của người H'mông.

Thứ hai, hiệp hội trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp để tổng hợp nhu cầu đào tạo và hiệp hội sẽ cùng doanh nghiệp triển khai các khoá đào tạo theo nhu cầu.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để đáp ứng các nhu cần hợp chuẩn của thế giới thông qua các khoá đào tạo và tham vấn định kỳ của các chuyên gia.

Cùng với đó là thúc đẩy sự liên kết ngành, tăng cường năng lực cho các hiệp hội dệt và thêu địa phương. Liên kết các doanh nghiệp dệt, thêu, các làng nghề với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong và ngoài nước.

Cuối cùng là triển khai các đề án môi trường tại các làng nghề. Thực hiện các mô hình thu gom và xử lý nước thải tại các làng nghề trong khuôn khổ chương trình nông thôn mới hoặc thông qua các đề án cụ thể, khuyến khích các công nghệ thân thiện với môi trường.

 

 

 

 

 

 

 

 

Lưu Đoàn - Đình Quyên
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.