Làm gì khi bị mạo danh để vay ngân hàng?
Hiện nay có không ít đối tượng xấu ăn cắp giấy tờ hoặc thông tin của người khác để vay vốn ngân hàng, công ty tín dụng. Vậy, kẽ hỡ nào để kẻ gian thực hiện hành vi phạm tội? Chúng ta sẽ phải làm gì khi bị mạo danh vay vốn ngân hàng?
Muôn vàn hình thức giả mạo để vay vốn ngân hàng
Mới đây, một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội bỗng nhiên phát hiện có khoản nợ 53 triệu đồng với kỳ hạn 3 năm tại Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) trong khi người này chưa từng làm hồ sơ hay giao dịch tại FE Credit.
Sau khi khiếu nại, FE Credit xác minh và cho biết vị này đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo hồ sơ rồi đăng ký vay tiền qua ứng dụng vay nhanh $nap của FE Credit. Đối tượng đã làm giả chứng minh nhân dân để mạo danh nạn nhân, qua mặt được hệ thống kiểm duyệt tự động. FE Credit khẳng định khách hàng không phải trả nợ và thông tin tín dụng của khách hàng tại Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC) sẽ được điều chỉnh ngay trong tháng này.
Hồi cuối tháng 5, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội vừa bắt được một ổ nhóm làm, sử dụng CMND và sổ hộ khẩu giả để làm thủ tục mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt.
Một trường hợp khá phổ biến bị phản ánh, đó là một số nhân viên ngân hàng gian dối lập khống các hồ sơ để vay vốn.
Kẽ hở nào cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội?
Theo ông Ngô Diên Hy - Tổng giám đốc công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT), đa số các trường hợp, do thủ đoạn làm giả giấy tờ của thủ phạm quá tinh vi nên các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính không thể phát hiện.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, đối tượng lừa đảo lợi dụng kẽ hở trong quy trình vay tiền của các ngân hàng. Vì chỉ tiêu, một số nhân viên làm tín dụng đã bỏ qua một số quy định về công tác thẩm tra tài sản mà duyệt hồ sơ.
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp lừa đảo thành công là do sơ suất đến từ người bị lừa. Ví dụ như đối tượng mạo danh chính là người quen của nạn nhân. Nạn nhân từng đưa giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân cho đối tượng và bị lợi dụng đem đi làm hồ sơ vay nợ.
Tuy nhiên, câu hỏi cũng đặt ra là tại sao ngân hàng hoặc công ty tài chính lại chấp nhận duyệt cho vay khi chủ nhân chứng minh nhân dân, giấy tờ không phải người trực tiếp đến làm thủ tục, đồng thời cũng không có chữ ký?
Chuyên gia cho rằng, đa số các vụ bị giả mạo vay tiền ngân hàng đều đến từ việc vay tiền qua ứng dụng. Với việc vay tiền qua ứng dụng, người vay không phải trực tiếp cầm giấy tờ đến quầy giao dịch của ngân hàng hoặc công ty tài chính mới có thể thực hiện vay vốn. Người vay chỉ cần chụp ảnh 2 mặt chứng minh thư là có thể được duyệt cho vay. Đây là một lỗ hổng của ứng dụng số bên cạnh sự tiện lợi mà nó mang lại. Kẻ gian đã lợi dụng lỗ hổng này để làm giả giấy tờ hòng vay vốn, chiếm đoạt tiền ngân hàng.
Làm gì khi bị mạo danh để vay ngân hàng?
Trao đổi về vấn đề này, đại diện công ty Luật Việt cho rằng: Về nguyên tắc, người yêu cầu phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Nghĩa là ngân hàng muốn yêu cầu bạn trả tiền đối với việc vay vốn thì phải chứng minh chính bạn hoặc người đại diện theo ủy quyền hợp pháp của bạn đã vay khoản tiền đó cho bạn.
Do đó, nếu bị ngân hàng đòi tiền thì bạn được quyền yêu cầu ngân hàng chứng minh chính bạn đã vay khoản tiền đó và bạn đã nhận khoản tiền vay đó từ ngân hàng.
Trong trường hợp cần thiết, bạn có quyền đề nghị yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký trong các hợp đồng tín dụng để làm rõ đó không phải là chữ ký của bạn. Bạn cũng có thể chứng minh không nhận bất kỳ khoản tiền giải ngân nào liên quan đến các hợp đồng tín dụng mà đối tượng khác đã vay với danh nghĩa của bạn.
Trong trường hợp bị lừa dối mượn và sử dụng chứng minh nhân dân và ngân hàng cũng bị lừa qua mặt hoặc có sai sót về mặt nghiệp vụ dẫn đến không phát hiện hành vi của người đi vay trong việc sử dụng chứng minh nhân dân của người khác.
Tuy bạn không liên quan trong giao dịch vay ngân hàng và không có hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân của mỗi người, bạn cho người khác mượn và sử dụng chứng minh nhân dân của mình để người đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Vì vậy, bạn có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
P. ThủyTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.