Lâm nghiệp là ngành bán tín chỉ carbon tiềm năng ở Việt Nam
Lâm nghiệp là lĩnh vực được cấp chứng nhận tín chỉ carbon nhiều nhất với 10,3 triệu tín chỉ giao dịch thông qua World Bank, tiếp đến là điện gió và biogas.
Hiện Việt Nam có 116 dự án đăng ký, chờ xác thực hoặc đạt chứng nhận tín chỉ carbon, theo thống kê dữ liệu từ hai tổ chức Gold Standard và Verra. Trong đó, 40 dự án đã được chứng nhận, với 10,7 triệu tín chỉ phát hành hàng năm.
Lâm nghiệp là một ngành bán tín chỉ carbon tiềm năng ở Việt Nam, trong đó có loại tín chỉ carbon xanh (blue carbon) - loại carbon được hấp thụ bởi các hệ sinh thái đại dương và ven biển trên thế giới, có giá trị cao nhất.
Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho ngành lâm nghiệp Việt Nam khi lần đầu tiên nước ta thành công trong việc bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương đương với 10,3 triệu tấn CO2 với 95% đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải quốc gia (NDC) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với mức giá 5 USD/tấn, Việt Nam đã thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Đây là kết quả của thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) khu vực Bắc Trung Bộ, được ký kết vào ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Đến tháng 3/2024, số tiền 1.200 tỷ đồng từ khoản chi trả này đã được chuyển về Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB. Ước tính, số tiền này mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng tại 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, thông qua kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi.
Ngoài lâm nghiệp, lĩnh vực được chứng nhận nhiều tín chỉ carbon tiếp theo là điện gió với gần 3,2 triệu, biogas gần 928.000 tín chỉ. Thủy điện là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp đăng ký, đang xác thực và chứng nhận nhiều nhất, với số doanh nghiệp ở các hạng mục lần lượt là 12, 9 và 13. Đây cũng là lĩnh vực chiếm đa số tín chỉ CER (Certified Emissions Reduction - chứng chỉ giảm phát thải) được chứng nhận trước 2020 theo cơ chế phát triển sạch, chủ yếu là thủy điện nhỏ.
Hai lĩnh vực mới xuất hiện trong hai năm gần đây trên danh mục đăng ký chứng nhận tín chỉ carbon là điện rác và xe điện, từ nhà máy điện rác Sóc Sơn và Selex Motor.
Trước 2020, tín chỉ carbon được chứng nhận tại Việt Nam chủ yếu là CER. Sau đó, tín chỉ VER (Verrified Emissions Reduction) dần phổ biến hơn. Tín chỉ phổ biến khác là VCS (Verified Carbon Standard) được cấp bởi Verra - tổ chức phi lợi nhuận về môi trường có trụ sở tại Mỹ. Tiêu chí Gold Standard đưa ra là đảm bảo các dự án giảm phát thải và đem lại lợi ích môi trường, xã hội bổ sung. Còn với Verra, họ cung cấp khuôn khổ để các dự án giảm phát thải được kiểm tra, đo lường và xác minh một cách độc lập.
Theo ghi nhận từ Verra, Việt Nam chưa có đơn vị nào được chứng nhận VCS. Ngoài dự án trồng rừng bán tín chỉ qua World Bank, có 43 dự án đăng ký chứng nhận tín chỉ với Verra, trong đó có bốn dự án bước vào giai đoạn xác thực.
Huyền My (t/h)Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (ước đạt 6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước.