Lạm phát gia tăng, một quốc gia quyết định giảm mạnh thuế VAT từ 8% xuống còn 1%
Ngày 12/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã quyết định giảm mạnh thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 8% xuống còn 1% đối với một số mặt hàng thực phẩm cơ bản.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12/2 đã quyết định giảm mạnh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng thực phẩm như sữa, trái cây, rau xanh và các mặt hàng lương thực cơ bản khác từ 8% xuống còn 1%, trong bối cảnh lạm phát tại nước này tăng lên mức cao nhất trong gần 20 năm qua.
Tổng thống Erdogan cho biết quyết định giảm VAT sẽ được áp dụng đối với một loạt sản phẩm, trong đó có dầu ăn và trái cây sấy khô. Ông Erdogan nhấn mạnh: "Quyết định này sẽ hỗ trợ cho cuộc chiến chống lạm phát".
Chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự bất bình của người dân Thổ Nhĩ Kỳ và lạm phát được dự báo sẽ là vấn đề nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến được tổ chức ở nước này vào năm tới.
Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 1 năm 2022 đã vọt lên 48,69%, mức cao nhất kể từ khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan lên nắm quyền cách đây hai thập kỷ.
Các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần này, do chi phí sinh hoạt gia tăng và sức mua giảm sút. Tháng trước, ông Erdogan lần thứ 4 kể từ năm 2019 đã thay người đứng đầu cơ quan thống kê nhà nước.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan không hài lòng với số liệu lạm phát mà giới chức nước này công bố. Trong khi đó, phe đối lập và một số nhà kinh tế cho rằng các số liệu chính thức đang đánh giá thấp tình hình thực tế.
Tại Việt Nam, từ tháng 2, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8%, áp dụng đến hết năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Tài chính đánh giá, chính sách giảm thuế VAT này có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thuế này sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, từ đó phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, chính sách còn có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế sau dịch và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một trong những chính sách giảm thuế dự kiến có tác động rộng rãi và rõ ràng nhất đến thị trường trong năm 2022. Việc giảm được chi phí chi tiêu này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để người tiêu dùng tiếp tục tiêu dùng, phục vụ đời sống, qua đó tăng giao dịch trên thị trường. Việc giảm thuế VAT kể trên cũng sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau dịch.
Khánh VyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.