Làm sao để “đón sóng” đầu tư FDI trong đại dịch Covid-19?
Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19, và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu. Trong bối cảnh này, câu hỏi được đặt ra là cần làm gì để cuộc dịch chuyển đầu tư FDI sẽ chọn "bến đỗ" là Việt Nam, các DN Việt nhìn nhận và tận dụng cơ hội này ra sao?
Toàn cảnh tọa đàm
Tại tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" diễn ra ngày 30/6/2020, các chuyên gia, đại diện DN cho rằng, với tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ tự lựa chọn, trong đó có việc giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để các DN Việt đón “làn sóng” này một cách hiệu quả nhất thì hoàn toàn không dễ.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cơ hội đầu tư FDI vào Việt Nam sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 là có. Câu chuyện là phải có giải pháp nào để lần đón vốn này được tiến hành hiệu quả và có chiều sâu, thay vì hàng loạt cái giá phải trả, đặc biệt là ô nhiễm môi trường khi Việt Nam trở thành nơi gia công cho nước ngoài như trước đây.
Từ những bài học từ chính hoạt động kinh doanh của mình, ông Phú nhấn mạnh cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI. Giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê đó, cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường, để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó. Tại Tập đoàn Sunhouse, năm 2003, công ty nhận đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát. Sau đó, Sunhouse, từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt
Thẳng thắn nhìn vào đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Phú cho rằng dịch chuyển nhà máy là rất khó. Trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón, chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam.
Việt Nam cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI.
Đồng tình với quan điểm, dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất tại Việt Nam là một gợi ý để các DN Việt tận dụng cơ hội đầu tư gữa thời Covid-19, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.
Nói về các giải pháp tổng thể, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả hơn, tất cả đều phải cùng chuyển động.
“Cả bộ máy phải chuyển động, cả bộ phận công chức phải chuyển động, cả đội ngũ DN phải chuyển động thế nào, để cho những người lao động phải tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này thì chúng ta mới có thể thành công”- GS Nguyễn Mại nhấn mạnh. Ngoài ra, GS Nguyễn Mại cho rằng, trong lựa chọn nhà đầu tư, nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ - “người ta cần mình và mình cần người ta, hai bên gặp nhau”.
Đinh NguyễnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.