Làm thế nào để doanh nghiệp và nhân sự bắt tay cùng nhau vượt khó trong năm Covid thứ hai?
Theo Khảo sát Xu hướng 2020 của Anphabe: một mặt, người đi làm vững tin hơn và sẵn lòng đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng công ty; mặt kia, không ít người đi làm đang mơ về "ngọn đồi xanh" khác. Trong tâm trạng hoang mang, người đi làm càng kỳ vọng lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng quan tâm, cam kết và dẫn dắt nhân viên.
Covid-19 xoáy sâu vào sự phân hóa người đi làm
Sau một năm vượt bão Covid-19, bước sang "năm Covid-19 thứ hai", doanh nghiệp đã phần nào sẵn sàng hơn để ứng phó với các diễn biến bất ngờ có thể xảy ra. Còn với người đi làm tại Việt Nam, bức tranh có nhiều gam màu tương phản.
Một mặt, người đi làm vững tin hơn và sẵn lòng đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng công ty. Đây là kết quả trích xuất từ dữ liệu của chuỗi khảo sát xu hướng nguồn nhân lực và môi trường làm việc (sau đây gọi chung là Khảo sát Xu hướng 2020) do Anphabe thực hiện từ quý II đến hết quý III/2020.
Cụ thể, có hơn 50% người tham gia Khảo sát Xu hướng 2020 đánh giá công ty họ đã sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi bất định trong tương lai. Và với đánh giá tích cực đó, họ tin tưởng vào tầm nhìn và chiến lược của công ty; đồng thời không có ý định đổi việc mà sẵn sàng đồng hành cùng công ty vượt khó.
Nhưng mặt kia, không ít người đi làm đang mơ về "ngọn đồi xanh" khác. Kết quả khảo sát Nguồn nhân lực Hạnh phúc qua các năm của Anphabe cho thấy: người đi làm tại Việt Nam càng ngày càng giảm gắn kết với công ty và đà giảm gắn kết này diễn ra liên tục trong vòng 5 năm qua, từ 71% năm 2016 xuống còn 53% năm 2020.
Đáng quan ngại hơn, có 35,1% người đi làm có ý định nhảy việc trong vòng một năm tới, trong khi năm 2018 tỷ lệ này là 24%. Trong nhóm này, có đến 7,1% là những nhân viên có nỗ lực nhưng vẫn muốn ra đi (Thất thoát đáng tiếc) và 28% còn lại thuộc nhóm nhân viên không nỗ lực và "ấp ủ" ý định đổi việc (Từ bỏ).
Trong tình hình tuyển dụng không mấy sôi động so với những năm trước, cơ hội việc làm không quá dồi dào, thì nhóm 35,1% này có thể trở thành "Zombie công sở" thế hệ mới, gia nhập cùng nhóm Zombie nguy cơ, tạo ra nhiều thách thức về năng suất và văn hóa tại các doanh nghiệp.
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp và người đi làm tiếp tục bắt tay nhau vượt khó?
Kết hợp dữ liệu từ các khảo sát diện rộng và nghiên cứu chuyên sâu với lãnh đạo và quản lý cấp cao tại doanh nghiệp, Anphabe đúc kết một vài kinh nghiệm thực tiễn đã được áp dụng hiệu quả trong thời gian qua.
Về những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và làm nhất quán, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường truyền thông và gắn kết nội bộ. Thực tế cho thấy, khi mọi thứ xung quanh ngày càng khó khăn và bất định, người đi làm dễ rơi vào tâm lý chông chênh và lo lắng. Vì thế, họ càng kỳ vọng lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng quan tâm, cam kết và dẫn dắt nhân viên.
Hơn lúc nào hết, người lãnh đạo, quản lý trong tổ chức cần biết cách trở thành Chief Empathy Officer – Người Lãnh Đạo Thấu Cảm. Hiểu đơn giản, đó là khả năng thấu hiểu được cảm xúc của nhân viên và đồng nghiệp để hành động, chia sẻ và có những quyết định phù hợp. Đồng thời, lãnh đạo và quản lý trong tổ chức cũng cần chú trọng truyền thông thấu cảm để kết nối cảm xúc, hun đúc niềm tin cho nhân viên, dẫn dắt tập thể cùng vượt khó.
Về định hướng lâu dài: doanh nghiệp cần linh hoạt và ứng biến nhanh, chủ động thúc đẩy các bước chuyển đổi quan trọng trong doanh nghiệp như chuyển đổi số, tái cấu trúc theo hướng phẳng và gọn hơn, trao quyền và tăng sự chủ động cho nhân viên các cấp.
Kết quả từ Khảo sát Xu hướng 2020 của Anphabe cũng cho thấy có 60% người đi làm cho rằng họ sẽ nỗ lực làm việc, gắn bó hơn nếu công ty ưu tiên đầu tư và cải thiện quy trình vận hành theo hướng đơn giản và nhanh gọn hơn và phân quyền hiệu quả cùng với trách nhiệm rõ ràng.
Và người đi làm cũng nhìn nhận họ cần bắt tay cùng doanh nghiệp vượt khó, thể hiện ở các yếu tố Nhân viên nỗ lực chung tay cùng công ty hướng về kết quả cuối cùng và Nhân viên có tinh thần đổi mới, sáng tạo và liên tục học hỏi.
Bên cạnh đó, có hơn 50% người đi làm tại Việt Nam cho biết họ thích làm việc từ xa và mong muốn được tiếp tục hình thức làm việc này. Từ góc độ cá nhân, người đi làm cho rằng làm việc từ xa giúp họ tiết kiệm thời gian, công sức đi lại; cho phép họ chủ động sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt đồng thời họ cũng tăng tính độc lập và tự quản lý công việc.
Khi được hỏi những lợi ích cho doanh nghiệp nếu áp dụng làm việc từ xa, người đi làm cho rằng công ty sẽ tiết kiệm chi phí văn phòng, điện nước…, giúp nhân viên cân bằng công việc - cuộc sống tốt hơn, thúc đẩy quy trình làm việc tinh gọn, đơn giản hơn và công ty còn có thể mở rộng nguồn nhân tài tiềm năng, không bị giới hạn bởi địa điểm.
Như vậy, bên cạnh những hoạt động cần làm ngay và các định hướng lâu dài, để tiếp tục nắm tay nhau vượt khó, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, xu hướng và kì vọng từ phía người đi làm để có thể kịp thời điều chỉnh và đưa ra những chiến lược phù hợp hơn tại từng thời điểm cụ thể.
Chuỗi khảo sát Xu hướng 2020 của Anphabe được thực hiện từ quý II đến hết quý III/2020, thu hút hơn 53.000 người đi làm trên toàn quốc tham gia. Kể từ cuối quý I năm nay, Anphabe bắt đầu chuỗi khảo sát diện rộng và cả chuyên sâu để nắm bắt những thay đổi và ghi nhận các xu hướng quan trọng tại thị trường nhân lực Việt Nam.
Trong đó, Khảo sát Xu hướng 2021 đầu tiên về lương, thưởng, phúc lợi đã chính thức bắt đầu đón nhận ý kiến từ người đi làm trên toàn quốc. Dự kiến, kết quả từ khảo sát này sẽ được công bố trong quý III/2021. Thông tin thêm về Khảo sát Xu hướng 2021 của Anphabe, vui lòng xem tại đây https://insights.anphabe.com/.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.