Lần đầu được gọi là "nhà báo"
“Nghĩ lại, trong lòng tôi lại bùi ngùi xúc động, nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề báo. Trong “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, mình đã làm được một việc tốt…”. Và đây, câu chuyện thật đẹp về hồi mới vào nghề của nhà báo Ngô Huệ, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Em Linh trong giờ giải lao cùng chị em trong công ty (ngoài cùng bên trái, hàng thứ nhất).
Giữa năm 2011, tôi đi thực tập tại báo Người Lao Động (trụ sở ở đường Cách mạng tháng 8 - Thành phố Hồ Chí Minh). Chân ướt chân ráo vào một cơ quan, gọi là tập tành những bước đi đầu tiên. Hôm đó, cơ quan báo Người Lao Động tổ chức kỷ niệm ngày thành lập báo tại một nhà hàng ở Quận 11. Liên hoan xong, tôi vừa ra đến cổng nhà hàng để bắt xe buýt về nhà thì có một người phụ nữ trung tuổi bán bánh khoai, mặt sạm nắng, khắc khổ sấn đến cầm tay tôi rồi òa lên, vừa nói vừa khóc: “Cháu là nhà báo phải không, cứu cô với, cô khổ quá rồi cháu ơi!”.
Tôi lúc đó - một đứa sinh viên mới vào nghề, lần đầu tiên được gọi với danh xưng “nhà báo” nghe cứ ngường ngượng, liền tự hỏi không biết mình giúp được gì cho người đàn bà khổ hạnh này đây? Tôi hỏi: “Sao cô biết cháu là nhà báo?”. “Cô ngày nào cũng bán bánh khoai ở đây, hôm nay cô nghe tin có đoàn nhà báo liên hoan trong nhà hàng, cô chờ mãi cuối cùng cũng gặp được cháu”.
Người phụ nữ cứ nắm chặt tay tôi nước mắt giàn giụa như đang nắm lấy chỗ bấu víu cuối cùng. Tôi đoán cô ấy đang gặp chuyện chẳng lành, bèn ngồi xuống vỉa hè hỏi chuyện. Cô kể, gia đình quê ở Thanh Hóa, cách đây mấy tháng, cô bị thua lỗ mấy tỷ đồng do buôn hải sản, vốn toàn tiền vay nặng lãi. Chủ nợ đến thu hết nhà cửa, ruộng vườn, còn đe dọa đánh đập, vợ chồng cô phải đem theo ba đứa con trốn vào Sài Gòn trú ngụ trong căn nhà trọ chật hẹp. Đứa lớn đang học cao đẳng y, đứa thứ hai đang học lớp 11, đứa bé đang học lớp 4, đều phải bỏ dở việc học hành.
Hàng ngày, đứa lớn đi làm công nhân, còn đứa út theo bố, đứa thứ hai theo mẹ đi nướng bánh khoai bán dọc đường. Tưởng thế sẽ được yên ổn làm ăn tích cóp trả nợ, nhưng không ngờ chủ nợ vẫn lùng sục, chiều nào cũng kéo đến nhà trọ, đem cả dao, gậy uy hiếp đòi tiền, không đưa thì dọa đánh. Có những lần họ còn xông vào tát nhưng cô vẫn phải nín nhịn. Cả gia đình cô ngày ngày phải sống trong sợ hãi. Những đứa trẻ nhà đang còn tuổi ăn tuổi học vẫn bị cuốn theo vòng xoáy nợ nần của bố mẹ. Nhìn em gái bé nhỏ đang đứng nướng bánh, mặt đỏ bừng vì nắng, tôi hỏi cô sao không xin cho em làm công nhân? Cô bảo, em ấy mới được 17 tuổi, không nơi nào nhận.
Đem câu chuyện của cô kể với anh Lê Cường - lúc đó là Trưởng ban Nội chính của tòa soạn (nay là Thư ký tòa soạn báo Người Lao động), anh Cường nói, việc của cô hiện báo chí khó can thiệp, vì người ta chỉ đến đòi nợ, chứ chưa làm gì phạm pháp. Nhưng nếu họ có những hành vi uy hiếp, dùng hung khí, gây thương tích thì gia đình nên báo công an phường để họ có biện pháp bảo vệ. Tôi gọi lại tư vấn cho cô và dặn nếu các đối tượng manh động quá thì hãy gọi cho tôi. Từ hôm đó, hầu như ngày nào cô cũng gọi điện cho tôi, tựa như là, chỉ cần nghe thấy giọng của tôi là cô đã cảm thấy yên tâm. Còn tôi, tôi thấy trăn trở trong lòng, chỉ ước gì mình có điều kiện kinh tế khá khẩm đôi chút, may ra có thể giúp được gia đình cô ấy bớt đi nghịch cảnh.
May thay, gần chỗ tôi ở có khu công nghệ cao (Quận 9) đang tuyển công nhân. Công nhân điện tử thời đó thu nhập khá hơn các nghề may, da giày, nhưng phải tiếp xúc nhiều với chì độc hại và phải làm luân phiên 2 tuần ngày, 2 tuần đêm rất vất vả. Tôi bảo cô nên cho con gái thứ hai đi làm công nhân ở đó, cô đồng ý ngay không mảy may do dự. Mấy hôm sau Linh (tên cô bé) bắt xe buýt về Suối Tiên và tôi “phi” con xe Dreams tàu cũ kỹ ra bến xe đón em. Con xe tậm tạch, kêu to như công nông, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo nó bị hỏng giữa đường. Tôi đưa Linh đến công ty điện tử rồi đứng đợi ngoài cổng, còn em vào nộp hồ sơ. Lát sau, em chạy ra mừng húm bảo là họ nhận em rồi và hẹn em hai ngày sau đến làm việc.
Trời nắng chói chang, tôi chở em về đến nhà trọ còn đứt rời mất một cái gót giày, đôi giày mới duy nhất để đi thực tập, nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy rất vui. Tôi hỏi em: "Chị là người lạ, em còn chưa biết rõ nhiều về chị, sao chị bảo em bắt xe về chị đưa đi xin việc, em đi ngay. Em không sợ chị lừa sao?". Em gái bảo ngay: "Em không ạ". Giữa thành phố xa lạ này, niềm tin ngây thơ của em đã đặt đúng chỗ, nếu không, vào tay những kẻ xấu thì cuộc đời em sẽ ra sao?
Xin được việc cho Linh rồi, vợ chồng tôi lại lo lắng đến chỗ ăn, chỗ ở cho em, như lo cho người thân trong gia đình, vì mẹ đã gửi gắm em cho vợ chồng tôi. Thời đó, tôi lập gia đình sớm nên vừa nuôi con nhỏ, vừa đi học. Thu nhập chính của gia đình là những đồng ít ỏi tiền kiếm được từ nghề gấp hoa lá dừa của chồng tôi. Vì khó khăn nên vợ chồng tôi và cậu con trai đầu lòng phải thuê một căn nhà giá rẻ nằm chơ vơ giữa cánh đồng, bụi bặm suốt ngày vì xe tải cày đường đất, mái tôn mỏng nóng như rang. Vợ chồng tôi ở đó đã quen, chỉ ái ngại có người khác như em liệu có quen không.
Chúng tôi ngăn nhà ra hai phòng riêng rồi bố trí cho em ở phòng bên trong, mát và sạch sẽ hơn. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình anh chị, cô bé Linh rất ngoan, chăm chỉ làm lụng. Ngay tuần đầu tiên thử việc, em đã phải làm ca đêm. Từ nhà tôi ở, em đi làm phải băng qua một quãng đồng rộng, chui qua hàng rào mới sang đến công ty. Hết ca về, em lại đem theo bịch sữa tươi - phần bồi dưỡng hỗ trợ ca đêm mà công ty phát cho em nhưng em không uống mà dành đem về cho con trai tôi.
Cứ như vậy một tháng rưỡi trôi qua, em nhận được tháng lương đầu tiên. Cô bé tuy có hơi gầy và xanh xao hơn trước, nhưng bù lại, thu nhập của em cũng khá khẩm hơn so với mẹ em bán bánh khoai. Mẹ em mừng lắm, cứ gọi điện là khóc và cám ơn rối rít. Sau đó, Linh chuyển ra ngoài ở với bạn cùng công ty, thỉnh thoảng lại về thăm vợ chồng tôi và mua quà cho cháu. Khó khăn của gia đình em dần được vơi bớt. Mỗi tháng lĩnh lương, Linh lại gửi tiền phụ giúp bố mẹ. Còn cậu con trai út cũng được một người qua đường thương, xin cho đi học và còn mua sách vở, quần áo cho, và học rất giỏi.
Linh làm ở công ty đó chừng 7 năm rồi chuyển nghề. Khi tôi ra Bắc, em vẫn thỉnh thoảng nhắn tin hỏi thăm. Nghĩ lại trong lòng tôi lại bùi ngùi xúc động nhớ những ngày đầu bước vào nghề báo: "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", mình đã làm được một việc tốt. Suy nghĩ về nghề, tôi thấy có nhiều những ấn tượng tốt đẹp. Nghề báo đưa ta đến với nhiều bối cảnh, nhiều số phận. Và trong một số hoàn cảnh nào đó, nhà báo đôi khi giống như là một "siêu nhân", có năng lực phi thường, có thể cứu rỗi con người trong một hoàn cảnh nào đó. Việc cần làm của chúng ta là luôn giữ được một trái tim ấm áp.
Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.