Lần đầu tiên sầu riêng Đồng Nai vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch
Sáng 16/6/2023, 20 container với 360 tấn sầu riêng Đồng Nai đầu tiên đã chính thức lên đường sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Dự kiến sẽ có khoảng 20.000 tấn sầu riêng được trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ xuất sang Trung Quốc trong năm nay.
Đây là chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Sầu riêng xuất trong đợt này gồm giống Dona, Ri6 được thu hoạch từ 6 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói (Công ty TNHH XNK Trái cây Hòa Hạnh, Công ty TNHH XNK Thanh Trung, Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy, Công ty Cổ phần tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH XNK Tân Hoàng Linh, Công ty TNHH TMSX Thuận Hương) đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các Cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (vận chuyển bằng đường bộ; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại trái cây Chiết Giang, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Tây, Công ty TNHH Mậu Dịch Quốc tế Vạn Thành Hỷ).
Phát biểu tại lễ xuất chuyến hàng sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của địa phương, với diện tích trên 11.345 ha đứng đầu khu vực Đông Nam bộ. Hiện vùng trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích). Diện tích thu hoạch 6.574 và sản lượng năm 2023 khoảng 69.000 tấn.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sầu riêng Đồng Nai hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu. Tuy nhiên để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, sầu riêng của Việt Nam phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng kiểm dịch thực vật, nhất là ruồi đục quả Bactrocera correcta và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai có 140 vùng trồng đã được cấp mã số và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng, gồm: 11 vùng trồng sầu riêng, diện tích 820 ha, 18 vùng trồng xoài với diện tích hơn 9 ngàn ha; có 22 vùng trồng chôm chôm, diện tích hơn 6,9 ngàn ha; 30 vùng trồng chuối, diện tích 5,6 ngàn ha; 13 vùng trồng mít với diện tích 2,2 ngàn ha và 9 vùng trồng thanh long diện tích 728 ha.
Châu Phụng
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.