Lần đầu tiên trong lịch sử tăng trưởng âm, chiến lược phát triển tiếp theo của TPHCM sẽ như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố trong quý 3/2021 giảm mạnh 24,97% so với cùng kỳ. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2021, GRDP của TPHCM giảm 6,78%. Trước tình hình đó, TPHCM đã xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố phù hợp trong điều kiện mới.
Vào ngày 6/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và chủ trì phiên Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0, với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số".
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, là "đầu tàu" kinh tế phía Nam của cả nước, vừa qua, TPHCM là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại thành phố vào cuối tháng 4/2021.
Hậu quả, mọi hoạt động kinh tế bị gián đoạn, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng. Cùng với đó là những ảnh hưởng về sức khoẻ, kinh tế và đời sống tinh thần của người dân.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố trong quý 3/2021 giảm mạnh 24,97% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chịu tác động mạnh nhất, giảm 44,8%. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2021, GRDP của TPHCM giảm 6,78%.
Trước tình hình đó, TPHCM đã xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố phù hợp trong điều kiện mới. Trong đó, chiến lược được chia làm 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (Đến hết năm 2022), TPHCM sẽ khắc phục các hệ luỵ, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Giai đoạn 2 (2023-2025), thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, triển khai các giải pháp, chương trình đã được chuẩn bị theo tinh thần của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11; giải quyết các điểm nghẽn để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại diễn đàn sáng 6/12. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
Trong đó, tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của thành phố. Từ đó, từng bước hình thành các trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, logistics, du lịch...
Theo đó, để có thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, ông Hoan cho biết, TPHCM đang tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất, nâng cao chất lượng nền kinh tế, chọn lọc các phân khúc tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi các giá trị ngành và lĩnh vực. Mục tiêu để tập trung mọi nguồn lực nhằm phát triển, gắn với phát triển khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của thành phố, dự kiến là 300ha.
Thứ hai, tái cấu trúc lại các KCN và khu chế xuất theo hướng giảm dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Thay vào đó, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp trong khu chế xuất, KCN từng bước đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghiệp, quy trình sản xuất thông minh.
Thứ ba, tổ chức thành công diễn đàn kinh tế thành phố 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số: Động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế TPHCM hậu Covid-19". Qua đây, thành phố sẽ xây dựng những chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới nổi trên nền tảng số.
Thứ tư, TPHCM sẽ khai thác hiệu quả các quỹ đất, các nguồn tài sản công, tạo thêm nguồn lực cho thành phố để tiếp tục đầu tư phát triển, chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế.
Thứ năm, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để giúp doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thông qua chương trình kích cầu đầu tư và các hình thức triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Thé sáu, TPHCM sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hướng đến hoạt động nghiên cứu ứng dụng.
Thứ bảy, quy hoạch cấu trúc không gian đô thị theo hướng đa trung tâm, hướng đến các chuẩn mực của thành phố toàn cầu.
Qua đó, để góp phần tạo động lực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng của khu vực phía Nam, có tính chất thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển liên vùng.
Đồng thời, ông Hoan cũng kiến nghị Chính phủ tăng thêm vốn đầu tư công trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, tương ứng với nguồn vốn và khả năng phân phối vốn của thành phố
Ngoài ra, trong khối hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Chính phủ, UBND TPHCM đề xuất ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là những doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thành phố đề xuất hoàn thiện cơ chế hội đồng vùng, quy chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng để phát huy tối đa hiệu quả vai trò kinh tế của các vùng kinh tế phía Nam.
Giang AnhThành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.