Làn sóng M&A bất động sản tăng tốc nửa đầu năm 2025
Nửa đầu năm 2025, thị trường bất động sản chứng kiến một làn sóng sôi động của hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).
Theo báo cáo từ JLL Việt Nam, tổng giá trị giao dịch của các thương vụ M&A bất động sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này cho thấy dòng vốn đầu tư đang quay trở lại thị trường, đồng thời phản ánh xu hướng cơ cấu lại danh mục và chiến lược dài hạn của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các nhà đầu tư trong nước đang tăng tốc thâu tóm quỹ đất, đặc biệt tại các khu vực trung tâm và vùng phát triển đô thị mới. Sun Group ghi dấu ấn khi mua lại lô đất rộng 2,5 ha (ký hiệu A1-2) tại khu đô thị mới Cầu Giấy từ CTX Holdings, để phát triển tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Sun Felia Suites.
Sunshine Group cũng gây chú ý khi mua lại 55 ha đất tại khu đô thị sinh thái Văn Giang (Hưng Yên), nay được giới thiệu dưới tên thương mại Alluvia City, từ tay Xuân Cầu Holdings. Thị trường phía Bắc còn ghi nhận thương vụ Anpha Holdings chi hơn 2.400 tỷ đồng để mua lại 23,06% cổ phần của Vinaconex ITC, đơn vị sở hữu Dự án Cát Bà Amatina quy mô lớn.
Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương công bố chào bán dự án nhà ở xã hội tại phường Thuận An, TP.HCM, vốn đầu tư 1.123 tỷ đồng. Giá bán chào mời là 220 tỷ đồng, con số cho thấy tiềm năng sinh lời đáng kể nếu thủ tục pháp lý và xây dựng được đảm bảo tiến độ.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, ở nhóm nhà đầu tư ngoại, nhiều thương vụ lớn đã được ký kết, cho thấy niềm tin dài hạn vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Nổi bật nhất là CapitaLand (Singapore) đã chi hàng trăm triệu USD để thâu tóm một phần của phân khu Hải Đăng thuộc Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên).
Cũng không kém phần nổi bật là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc công bố hợp tác với Tập đoàn Trump trong xây dựng dự án sân golf tại Hưng Yên, một bước đi cho thấy khối ngoại không chỉ đầu tư tài chính mà còn mang theo cả thương hiệu và công nghệ vào thị trường.
Một thương vụ lớn khác là việc Keppel (Singapore) chuyển nhượng 42% cổ phần tại Công ty Nam Rạch Chiếc - chủ đầu tư dự án Palm City (TP.HCM) cho Gateway Thủ Thiêm, thành viên của Hướng Việt Holdings, với giá trị giao dịch lên tới 2.612 tỷ đồng.
Các thương hiệu bất động sản lớn đến từ Nhật Bản như Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và NTT Urban Development cũng hợp tác với Kim Oanh Group để phát triển dự án The One World. Ngoài ra, Nishi Nippon Railroad đã mua 25% cổ phần tại dự án Paragon Đại Phước từ Nam Long, mở rộng dấu ấn tại thị trường nhà ở ven đô TP.HCM.
Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp lớn đang tập trung tái cơ cấu tài chính, dồn lực cho các dự án hiện hữu thay vì tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư thông qua M&A.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp coi M&A là chiến lược phát triển. Với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố thuận lợi, từ chính sách pháp lý, thị trường vốn, đầu tư công đến nhu cầu tái cấu trúc của doanh nghiệp, hoạt động M&A đang bước vào một chu kỳ phát triển sôi động mới. Xu hướng này dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2025 và những năm tiếp theo. Bất động sản nhà ở đô thị vẫn là phân khúc dẫn dắt, nhưng nhiều nhà đầu tư kỳ vọng làn sóng sẽ lan sang các phân khúc khác khi điều kiện thị trường chín muồi.
An Mai (t/h)
Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.