Làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại!

Những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 khiến tình trạng nhiều doanh nghiệp trả mặt bằng và sang nhượng để tồn tại. Việc này diễn ra nhiều nhất ở các nhà hàng, quán ăn uống… khi chiếm tỷ lệ đến 90% so với các mô hình còn lại.

Hàng quán đồng loạt trả mặt bằng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Ngay cả khi Việt Nam đã gần như chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh nhưng tình hình kinh doanh bán lẻ vẫn đang khó khăn. Nhiều cửa hàng kinh doanh treo biển thanh lý tạo nên làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại.

Trong quý III.2020, nhiều khách thuê thuộc ngành hàng ẩm thực và thời trang tại các trung tâm mua sắm có động thái trả mặt bằng hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí.

Hai đợt chống chọi với đại dịch COVID-19 đủ để tạo thành làn sóng trả mặt bằng ở các tuyến phố chính, thậm chí đến cả các hẻm lớn. Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy doanh thu từ dịch vụ ăn uống trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Đi dọc từ đầu đường đến cuối các tuyến đường lớn của TP. Hà Nội, không dưới 20 mặt bằng đang đóng cửa, mặt ngoài dán chi chít các tấm bảng cho thuê chính chủ, kèm số điện thoại bên dưới. Tình trạng trả mặt bằng kinh doanh cũng phổ biến trên hầu hết các tuyến đường chính ở TP.HCM. Không chỉ nhà phố chịu cảnh khách thuê tạm ngưng hoặc đóng cửa, trả mặt bằng, tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhà trong hẻm lớn.

Tác động của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đang để lại hậu quả không hề nhỏ trong đời sống kinh doanh. Trong khi hoạt động sản xuất phơi bày gián tiếp qua giãn giờ làm, công nhân mất việc, bán lẻ và dịch vụ có thể cảm nhận được ngay thông qua làn sóng đóng cửa, trả lại mặt bằng kinh doanh.

Các số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy mức độ ảnh hưởng của cả ngành bán lẻ. Về số lượng, con số suy giảm này có thể không đáng kể. Tuy nhiên, khi đặt trong mức tăng trưởng bình quân từ 10–20% của ngành bán lẻ trong 5 năm trở lại đây, mức suy giảm như vậy để lại tác động không hề nhỏ. Trung bình mỗi tháng tính từ đầu năm có 14.900 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, và 8.600 doanh nghiệp trả mặt bằng và rút lui khỏi thị trường, theo dữ liệu 10 tháng của cơ quan thống kê nhà nước.

Làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại - Ảnh 1.

Thị trường bán lẻ vẫn còn ảm đạm sau đại dịch COVID-19.

Một số chủ đầu tư vẫn giữ chính sách ưu đãi cho các khách thuê hiện hữu và khách thuê mới, tuy rằng số lượng dự án có chính sách ưu đãi không nhiều như trong đợt COVID-19 hồi đầu năm. Một số hình thức ưu đãi chủ yếu như giảm 50% phí dịch vụ, giảm từ 10-30% giá thuê tùy theo ngành hàng hoặc miễn 100% giá thuê trong thời gian buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, như trường hợp của Aeon Mall Bình Tân.

Tính đến cuối quý 3/2020, giá chào thuê cho tầng trệt và tầng một được ghi nhận ở mức 135,4 USD/m2/tháng cho khu trung tâm và 35,8 USD/m2/tháng cho khu ngoài trung tâm, hầu như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Các thương hiệu nước ngoài sau một thời gian yên ắng có dấu hiệu quay trở lại tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Theo CBRE Việt Nam, hầu hết các thương hiệu mới này tập trung vào mảng mua sắm mang tính trải nghiệm, thời trang thể thao, sức khỏe và sắc đẹp, tức những ngành hàng đang tích cực mở rộng trong vài năm trở lại đây.

Trong 110.000 doanh nghiệp mới thành lập trong 10 tháng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tới 22,2%, ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 35,9%. Không chỉ sụt giảm lượng thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng nhỏ hơn số lượng tạm ngưng hoạt động, mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống trong xu hướng sụt giảm.

Trong khi 2.185 doanh nghiệp thuộc nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống quay trở lại hoạt động, số tạm ngưng lên tới 2.612 cửa hàng, đồng nghĩa với việc mỗi tháng có thêm 50 doanh nghiệp vắng mặt trên thị trường.  Ảnh hưởng nặng nhất do nguồn cầu sụt giảm là nhóm dịch vụ du lịch vì hạn chế nhập cảnh với khách du lịch, nguồn khách đóng góp 80% doanh thu toàn ngành du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng là 3,8 triệu lượt, giảm 73,8%. Khách giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến vận tải hàng không, các hãng xe, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống ở Việt Nam, khiến các doanh nghiệp buộc phải trả mặt bằng nhưng đồng thời lại tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần

Hoa đỗ quyên đồng loạt nở rộ trên dãy Hoàng Liên Sơn, khiến Sa Pa trở thành “điểm nóng” hút hàng ngàn du khách đến thưởng hoa, sống ảo. Rất nhiều bí quyết được các tín đồ đỗ quyên chia sẻ để có được những khoảnh khắc ngắm hoa đẹp nhất và những bức ảnh check-in ưng ý nhất.