Lan toả khát vọng làm giàu
Thời gian qua, ngọn lửa nhiệt huyết khởi nghiệp của Phụ nữ ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) lan tỏa rộng khắp. Điều này đang góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, đổi mới và cống hiến của các chị em, đóng góp xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, gia đình ấm no, hạnh phúc…
Khoảng 3 năm nay, bình quân mỗi năm chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ở ấp 6, xã Hòa An cung ứng khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL gần 1,5 tấn khô cá sặc rút xương. Các loại cá sặc được chị chọn để làm khô phần lớn là cá sặc rằn, sặc bướm, sặc điệp... Theo chị Linh, khô cá sặc có rất nhiều người làm, nhưng cá sặc rút xương thì lại giới hạn. Bởi nếu không nắm vững các kỹ năng, trong quá trình rút xương con cá sẽ mất thịt, khi phơi khô bị cứng, không đẹp.
Bí quyết để có con khô cá sặc rút xương chất lượng thì nguyên liệu cá được chọn phải tươi, quá trình chế biến phải trải qua 5 công đoạn: làm sạch, rút xương, ướp gia vị, phơi sấy và đóng gói. Công đoạn phơi sấy là quan trọng nhất, nếu con khô phơi sấy không khô sẽ bị bủn, kém chất lượng. Vậy nên chị Linh mạnh dạn đầu tư máy sấy để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, mình không sử dụng chất bảo quản, không phẩm màu, chủ yếu là các gia vị như muối, đường, ớt thôi. Sản phẩm của mình bán được nhiều lắm, đi tới miền Bắc rồi có chị em mua đem đi Đài Loan, Hàn Quốc nữa. Niềm vui càng nhân lên gấp bội, khi vào giữa tháng 11/2023, sản phẩm khô cá sặc rút xương của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh được Hội đồng bình xét sản phẩm OCOP huyện Phụng Hiệp thống nhất công nhận đạt chất lượng OCOP 3 sao.
Bà Nguyễn Thị Kim Hận - Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An cho biết, thời gian qua, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" đã được lan tỏa trong phong trào thi đua sản xuất của địa phương nói chung và trong hội viên phụ nữ nói riêng. Hiểu rõ lợi ích của Chương trình OCOP, Hội LHPN xã Hòa An tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp ngành khuyến nông hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, về nội dung của đề án, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, tuyên truyền thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổ chức các hoạt động tham quan mô hình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm OCOP. Kết nối chương trình xây dựng sản phẩm OCOP với đề án khởi nghiệp, thông qua việc đề xuất tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Hội cấp trên phát động. Bên cạnh đó, hội còn tranh thủ các nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ 50 - 100 triệu đồng/chị để hỗ trợ vốn khởi nghiệp.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An cho rằng, Hội đã vận động, tham mưu với UBND xã, phối hợp với phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ cơ sở khô cá sặc rút xương Khanh Linh, ấp 6, xã Hoà An thực hiện đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao, đến nay đã được công nhận. Sản phẩm đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, được giới thiệu tham gia xúc tiến thương mại tại tỉnh Đắk Lắk và ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho tỉnh bạn, mô hình đã giúp giải quyết việc làm cho 6 lao động nữ tại nông thôn.
Năm qua, phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhất là những sản phẩm của hội viên phụ nữ được công nhận OCOP được Hội LHPN huyện Phụng Hiệp rất quan tâm. Hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức tư vấn và giúp đỡ cho 9 sản phẩm của chị em phụ nữ trong huyện đạt chứng nhận OCOP, giúp 21 chị em xây dựng ý tưởng khởi nghiệp hiệu quả. Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho 31 chị em hội viên phụ nữ khởi nghiệp với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Bà Dương Thị Thuỳ Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phụng Hiệp khẳng định, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với phòng nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các chị em có sản phẩm đã được công nhận OCOP; Tiếp tục hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của Hội viên phụ nữ để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Trong năm 2024, Hội LHPN huyện dự kiến tổ chức ngày hội khởi nghiệp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của chị em trong huyện.
Tinh thần khởi nghiệp của hội viên phụ nữ huyện Phụng Hiệp đang ngày càng lan toả. Thông qua các ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ, cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội LHPN trong huyện, tin rằng những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của chị em sẽ ngày càng vươn ra thị trường rộng lớn hơn. Từ đó, tạo bản sắc riêng cho địa phương, giúp nâng tầm vị thế của chị em phụ nữ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.