Làng Bá Dương Nội: Nơi lưu giữ thú chơi diều truyền thống

Địa phương
07:35 AM 14/07/2023

Làng diều Bá Dương Nội thuộc xã Hồng Hà (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đến nay đã nghìn tuổi. Làng diều như trường tồn, bất biến với thời gian, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể, một “địa chỉ văn hóa dân gian” độc đáo của Thăng Long - Hà Nội...

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, làng Bá Dương Nội  là một ngôi làng cổ tọa lạc sát đê sông Hồng vốn nức tiếng gần xa với “món đặc sản” bồng bềnh giữa lưng trời: Những con diều sao có thể làm ưng lòng mọi du khách thập phương.

Ở làng Bá Dương Nội, ai cũng biết chơi diều, cũng có thể tự làm diều cho mình. Có thể nói, những cánh diều dường như đã đi sâu vào tiềm thức, gắn liền với tuổi thơ mỗi người. Điều đặc biệt là người dân Bá Dương Nội làm diều không để buôn bán, mưu sinh, mà chỉ để thỏa mãn thú chơi diều và thường mang diều đi giao lưu ở các lễ hội diều trong nước và quốc tế.

Làng Bá Dương Nội: Nơi lưu giữ thú chơi diều truyền thống - Ảnh 1.

Cánh diều xưa kia được dán giấy dó nay thay bằng một loại vải mềm, bền và chắc để khi diều lúc no gió bay lên cao không bị bục. Ảnh: Người đưa tin

Theo sử sách và lời kể của các bậc cao niên trong làng, nghề làm diều và thú chơi thả diều đã có từ hơn nghìn năm nay.

Để có con diều tốt nhất dự thi vào tháng 3, ngay từ tháng 8 năm trước, người dân trong làng đã bắt tay vào chuẩn bị con diều sao cho ưng ý nhất. Để làm một con diều phải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn “xương” diều, “xương” diều chủ yếu được làm bằng tre, nhưng không phải giống tre nào cũng làm được, mà buộc phải chọn được loại tre già, tre gai mọc ở đồng bằng. Thời điểm chặt tre cũng rất quan trọng, tre phải chặt vào mùa đông, giãi khô, tiếp đó chẻ ra và định hình khung diều. Sở dĩ phải kỳ công chọn tre là bởi loại tre nhỏ và đặc này mới cho diều bộ khung cứng, dẻo, bền và không nặng.

Cánh diều xưa kia được dán giấy dó nay thay bằng một loại vải mềm, bền và chắc để khi diều lúc no gió bay lên cao không bị bục.

Sáo diều thường được chọn những ống tre già, tròn, thẳng đủ kích thước, đường kính hai đầu ống phải bằng nhau, không được nứt nẻ, đặc biệt, tuyển được những ống tre già chết từ trong bụi thì càng tốt, sẽ cho âm thanh trong trẻo".

Làm diều là thú chơi, cũng là hình thức tri ân thần linh Châu Thổ của người làng Bá Dương Nội. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Làm diều là thú chơi, cũng là hình thức tri ân thần linh Châu Thổ của người làng Bá Dương Nội. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Người ta thường bảo, tiếng sáo diều là "đặc sản" của vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng số người từng thực sự chơi diều sáo lại rất hiếm. Có lẽ vì vậy người hiểu được vẻ đẹp của cánh diều với âm thanh vi vút, bất tận phải là một nghệ sĩ thực thụ. Tiếng sáo còn là thứ để phân biệt trình (tay nghề) của người chơi. Nghe tiếng sáo, người ta có thể nhận biết được tâm trạng của người chơi. Lúc vui, người chơi thường gắn vào cánh diều chiếc sáo có tiếng chuông, tiếng ốc, chọn lúc gió to để thả, khiến sáo đổ hồi nhanh hối hả, rộn ràng, sống động. Khi có tâm sự riêng gửi gắm qua sáo diều, người ta gắn sáo có tiếng trầm, chậm, thả diều lúc gió nhẹ, chuông sẽ đổ chậm hơn, âm thanh trầm ấm, có lúc như nghẹn lại, day dứt...

Mặc dù làng Bá Dương Nội không đưa diều thành mặt hàng thương mại, nhưng mỗi dịp Tết thiếu nhi 1/6 hàng năm, người làng sẽ nhận đặt hàng sáo diều của những vị khách thập phương để góp phần mang đến cho trẻ em có ngày lễ thật ý nghĩa.

Cứ mỗi độ 14/3 Âm lịch, làng thường tổ chức cuộc thi diều sáo với ý nghĩa gìn giữ, tạo sân chơi cho người làng và đặc biệt là trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để lớp trẻ có thể cảm nhận những tinh hoa của cha ông truyền lại. Chỉ có ở làng Bá Dương mới tổ chức hội thi thả diều, và thi sẽ có giải. Đó nó là nét truyền thống mong mùa màng tươi tốt, một cuộc sống bình an. Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2004.

Lễ hội truyền thống thi thả Diều làng Bá Dương Nội được tổ chức trong 3 ngày kể từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Trước đây lễ hội thả diều chỉ có 1 buổi thi, nhưng mười năm trở lại đây dân làng tổ chức thêm buổi thả diều cuối cùng dành cho các cháu thiếu niên "trổ tài". Đây cũng là dịp để làng phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ đam mê với cánh diều.

Hàng năm cứ vào 15/3 âm lịch người dân làng Bá Dương Nội lại tổ chức hội diều. Ảnh: Người đưa tin Pháp luật

Hàng năm cứ vào 15/3 âm lịch người dân làng Bá Dương Nội lại tổ chức hội diều. Ảnh: Người đưa tin Pháp luật

Trong khuôn khổ lễ hội, địa phương cũng sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày sinh vật cảnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp làng nghề của địa phương; Đêm văn nghệ chào mừng; Diễu hành xe máy Vespa cổ quảng bá hội diều truyền thống làng Bá Dương Nội năm 2023 và quảng bá du lịch huyện Đan Phượng; Tổ chức giải cờ tướng;…. Hội thi đã vượt ra ngoài không gian làng quê và ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng thức. 

Không chỉ vậy, diều Bá Dương Nội giờ đây đã được nhiều người biết đến, thậm chí cả người nước ngoài, thông qua các buổi giao lưu, biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố và các nước bạn. Diều của làng từng tham gia nhiều lễ hội thả diều lớn như: Lễ hội thả Diều 1000 năm Thăng Long Hà Nội; Lễ Hội Diều Festival Huế, Festival Diều quốc tế Vũng Tàu. 

Du khách thích thú xem diều. Ảnh: VOV

Du khách thích thú xem diều. Ảnh: VOV

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Diều Bá Giang từng ao ước mình có thể mang diều sáo của Việt Nam ra thế giới và ông đã làm được, khi có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tìm đến tận nhà ông. Ước mơ của ông đã thành hiện thực, khi liên tục có lời mời tham dự các lễ hội diều quốc tế. Diều sáo Bá Dương Nội đã có mặt ở hơn 10 quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Malaysia, rồi Trung Quốc, Pháp, Campuchia, Ấn Độ... và còn tham gia hội thi thả diều lớn nhất hành tinh tại Pháp năm 2012.

Với con diều giản dị, ông Kiêm đã chinh phục được người dân ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

Với con diều giản dị, ông Kiêm đã chinh phục được người dân ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

Trên thế giới, loại hình diều sáo của Việt Nam được xếp hạng đặc biệt, không có nước nào có. Khi con Diều Việt Nam bay cao trên bầu trời quốc tế, khi tiếng sáo âm vang hòa vào cùng mỗi cánh gió, đã khiến cho bạn bè quốc tế từ ngạc nhiên đến khâm phục. Bởi lẽ trên thế giới, không đâu có được tiếng sáo kỳ lạ, du dương, trầm bổng và uyển chuyển đến nhường vậy.

"Một kỷ lục gia người Ireland qua hai lần tận mắt chứng kiến đã phải thốt lên: Diều của Việt Nam hay tuyệt vời, từ nay trong các Liên hoan Diều quốc tế, không thể thiếu Việt Nam!", ông Kiêm bồi hồi nhớ lại.

Để giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta đã để lại, ngày nay làng Bá Dương Nội vẫn luôn ra sức bảo tồn duy trì và phát huy ngày càng thêm phong phú diều sáo - loại hình dân gian độc đáo của xứ Đoài.

Minh An
Ý kiến của bạn
Cung không gặp cầu, giá chung cư sẽ "bình thường trở lại" Cung không gặp cầu, giá chung cư sẽ "bình thường trở lại"

Theo nhiều chuyên gia, giá chung cư sẽ bình thường trở lại sau một thời gian tăng nóng do cung không gặp được cầu, giá nhà quá cao, khiến người mua không thể thu xếp nguồn tài chính...