Làng Chuông - Điểm du lịch làng nghề thú vị tại Hà Nội
Làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) là ngôi làng có hơn 1.000 năm tuổi. Nơi đây được biết đến là làng nón lá truyền thống, nổi tiếng thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm.
Nón lá làng Chuông - Nét đẹp làng nghề Việt
Chiếc nón lá là một nét đẹp trong cuộc sống của người dân từ thời xa xưa, góp phần tô đẹp cho hình ảnh cô gái Việt Nam với tà áo dài thướt tha, dịu dàng, toát lên hình tượng độc đáo của phụ nữ Việt.
Chiếc nón lá đẹp xinh còn là đề tài, cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như "Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá/ Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha" trong bài hát "Chờ người" của nhạc sĩ Lam Phương.
Nhắc đến nón lá, ta sẽ nhớ ngay đến chiếc nón lá của làng Chuông (Thanh Oai, Hà Tây), ngôi làng đã trở thành một địa điểm du lịch văn hóa không thể bỏ qua khi đến Thủ đô.
Làng Chuông có niên đại hơn 1.000 năm. Theo lịch sử ghi lại, thời xưa, người dân chủ yếu sản xuất các sản phẩm nón là nón thúng và nón đấu. Khoảng năm 1920, một nghệ nhân tên Hai Cát (nay đã ngoài 80 tuổi) đi khắp nơi, tìm tòi, đúc kết sáng tạo ra mẫu nón lá với hình thức to vừa phải, gọn gàng xinh xắn, được gọi là nón Xuân Kiều và duy trì mẫu nón này đến thời nay, được gọi là nón lá làng Chuông.
Ông Phạm Văn Toàn – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội cho biết: Từ đó, người dân địa phương nơi đây tập trung sản xuất nón để trang trải cuộc sống, qua nhiều thế kỷ, nghề làm nón trở thành một nghề cơ bản, tạo công ăn việc làm, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình,
Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, người dân làng Chuông vẫn cố gắng duy trì nghề làm nón để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống của cha ông xưa để lại. Không chỉ vậy, làng Chuông còn phát triển trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn dành cho du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm cảm giác thú vị tự tay làm nên những chiếc nón.
Lịch sử làng nghề nón Chuông
Làng Chuông tọa lạc tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 30 km. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu những giá trị văn hóa quý báu về một làng nghề truyền thống của dân tộc.
Làng Chuông thường được biết đến với tên gọi khác là làng nón Chuông, có diện tích trên 481 ha gồm 8 thôn: Tây Sơn, Liên Tân, Quang Trung, Mã Kiều, Chung Chính, Tân Tiến, Tân Dân 1 và Tân Dân 2.
Là một làng nghề lâu đời của tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, không ai biết được chính xác làng Chuông làm nón có từ bao giờ. Tuy nhiên theo lời kể của những bô lão trong làng, từ thế kỉ thứ VIII, dân làng đã bắt đầu sản xuất ra những chiếc nón. Thuở đó làng Chuông có tên gọi là Trang Thì Trung, là một làng chuyên làm các loại nón cho hầu hết mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội để che mưa che nắng.
Hiện nay, làng Chuông Hà Nội là nơi cung cấp nhiều mẫu mã nón lá truyền thống đa dạng, nón quai thao rộng vành cách điệu thường được những diễn viên, nghệ sĩ hát quan họ đội hoặc đeo trên tay khi biểu diễn hát thuyền. Ngoài ra, người già thường đội đi lễ chùa. Còn nón lá già ghép sống phục vụ cho những người phụ nữ làm công việc đồng áng và làm vườn.
Hàng trăm năm đã đi qua, nghề đan nón lá tại làng Chuông vẫn giữ được nét văn hóa làng nghề và đang ngày một vươn xa ra cả trên thị trường quốc tế. Nhiều đoàn khách du lịch ngoại quốc về thăm quan rất thích thú khi được chiêm ngưỡng và mua cho mình một chiếc nón theo sở thích để đội làm duyên và còn là vật che nắng che mưa khi đi thăm thú quanh làng.
Nghề đan nón đã truyền qua nhiều thế hệ và là một trong những chiếc nôi sản xuất nón lá nổi tiếng nhất Hà thành. Hiện nay, làng chuông có 4000 hộ dân gắn bó với nghề khâu nón lá, mang đến những sản phẩm đẹp mắt với giá thành rất rẻ, 100% nón lá được sản xuất thủ công với nhiều mẫu mã phong phú.
Về với làng Chuông, du khách được trực tiếp quan sát quy trình sản xuất chiếc nón lá. Nguyên liệu chính để làm nón lá là lá cọ tươi nhập từ một số tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị... Do lá cọ khi tươi có màu xanh và khá nặng nên công đoạn đầu tiên là vò kỹ lá cọ với cát cho nở tơi ra, sau đó phơi 3 nắng to làm nước bay hơi, để lại xác lá khô trắng, nhẹ bâng, mới chuyển sang những công đoạn kế tiếp như giẽ lá, là lá cho phẳng, thẳng...
Để tạo ra một chiếc nón đẹp mắt, trước hết cần khung nón hình chóp chắc chắn, được làm bằng tre, nứa hoặc gỗ. Cấu tạo khung nón gồm 8 thanh tre thẳng, được khắc 16 vòng đều nhau từ nhỏ đến to, một đầu được gắn chặt vào chiếc vòng mây lớn, chắc, tạo thành vành chiếc nón, đầu còn lại được kết chặt vào nhau tạo thành chóp nón nhỏ, nhọn, gọi là đỉnh nón. Khi kết nón, người thợ sẽ quấn đủ 16 vành xếp tầng từ trên xuống dưới theo kích thước nhất định.
Tiếp đến là công đoạn khâu lá vào nhau rồi gắn vào khung theo 3 lớp gồm: lớp lá, lớp mo (từ cây tre, mo, nứa, bương) và thêm một lớp lá là những chiếc lá trắng đẹp nhất để hoàn thiện xong bước tạo ra hình một chiếc nón. Các bước này gọi là quay nón.
Bước tiếp theo là công đoạn khâu quanh nón 16 vòng, mũi khâu có thể mau hay thưa khác nhau tùy thuộc vào độ khéo léo của người thợ, tạo nên một chiếc nón đẹp.
Trước khi buộc quai, người nghệ nhân sẽ đem ủ hum với hơi diêm để làm màu nón trở nên trắng đẹp hơn và giữ nón phẳng phiu và tránh bị ẩm mốc, hoặc phủ dầu bên ngoài để se khít các lỗ chân kim và bóng đẹp, đồng thời có tác dụng chống nước, đảm bảo chiếc nón luôn sạch sẽ khi sử dụng.
Để tô điểm thêm cho chiếc nón, các cô gái làng Chuông còn dán vào thân nón những họa tiết hoa bằng giấy với đủ màu sắc và hình thù. Tinh tế hơn, họ còn dùng những sợi chỉ màu thêu chéo ở hai điểm đối diện trong lòng chiếc nón để người sử dụng có thể gắn những dải lụa mềm, nhiều màu sắc vào đó làm quai nón, giúp tôn lên nét duyên dáng của mỗi cô gái.
Lê Văn HọaTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.