Làng cổ Cự Đà: Điểm tham quan độc đáo, yên bình của Hà Nội

Sản phẩm - Dịch vụ
08:47 AM 08/10/2022

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, xã cực Bắc của huyện Thanh Oai, Hà Nội, là một trong những làng cổ truyền thống từ xa xưa. Nghề làm miến và tương ở Cự Đà cũng đã có cách đây hàng trăm năm.

Vào những ngày nắng đẹp, dọc trên những con đường làng Cự Đà sóng sánh sắc vàng của miến đang phơi. Nhìn từ xa, cả ngôi làng như được khoác lên một màu vàng óng ánh huyền ảo. Những sợi miến phơi trên hiên nhà rủ xuống, lấp lánh như những sợi tơ trong nắng thu, cứ thế nối tiếp nhau trên từng ngõ ngách, tạo nên một khung cảnh rất đẹp, thu hút du khách và nhiều nhiếp ảnh gia.

Những ngày nắng, dọc trên những con đường làng Cự Đà sóng sánh sắc vàng của miến đang phơi. Ảnh: Sưu tầm

Nếu đến đây vào buổi sáng, du khách sẽ thấy khung cảnh nhộn nhịp của người dân nơi đây. Người bưng các phên bánh miến gác vào các băng gỗ bên đường, người mang miến ra phơi, người lại chở miến đi giao. Cuộc sống bình dị nhưng đong đầy niềm vui.

Miến Cự Đà làm bằng bột dong riềng, được tráng thành từng bánh hấp chín rồi đem phơi. Miến Cự Đà có đặc điểm rất dễ nhận biết là thường có màu vàng óng, đều tăm tắp ngon nức tiếng bởi độ ngon, dai và mùi thơm đặt trưng khó nơi nào có được. Một bó miến được buộc chính bằng các sợi miến. Giá miến dong Cự Đà vào thời điểm hiện tại từ 10.000 - 13.000 đồng/lạng, tùy loại.

Không chỉ có miến, Cự Đà còn nổi tiếng với nghề làm tương. Tương Cự Đà được làm từ bốn nguyên liệu chính là đậu tương, gạo nếp, nước mưa và muối trắng. Có lẽ người dân Thủ đô cũng như cả nước đều biết đến độ nổi tiếng thơm ngon của tương Cự Đà qua câu ca dao “Tương Cự Đà - cà làng Đám”. Nghề làm tương gia truyền ở Cự Đà đã có từ bao đời nay, một thứ tương có mùi hương đặc trưng và hấp dẫn. Trải qua hàng trăm năm, tương Cự Đà, món ăn dân dã được nhiều người ưa thích, đã góp phần làm cho ẩm thực Thăng Long-Hà Nội phong phú, đặc sắc.

Làng nghề cổ Cự Đà: Điểm tham quan độc đáo, yên bình của Hà Nội - Ảnh 2.

Những chum tương Cự Đà dưới nắng được chăm chút cẩn thận

Tương Cự Đà đã được cục Sở hữu Trí tuệ cấp thương hiệu sản phẩm, có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Sản phẩm được bán ở những siêu thị lớn, tiêu thụ ở những tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước châu Á.

Làng cổ Cự Đà là điểm đến lý tưởng không chỉ dành cho những ai yêu thích tìm hiểu về làng nghề truyền thống ở Hà Nội mà còn dành cho những người yêu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Nằm bên bờ sông Nhuệ yên bình, làng Cự Đà mang đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ Việt Nam với nhưng mái đình, cổng làng, cây đa, đặc biệt là lối kiến trúc kiểu Pháp còn sắc nét. Đặt chân lên địa phận làng Cự Đà, bất cứ ai cũng cảm thấy ấn tượng với những cổng làng mang đậm nét rêu phong cổ kính. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến cố của lịch sử, làng cổ Cự Đà dường như vẫn giữ được nét vẹn nguyên thuở ban đầu. Với các ngôi nhà được thiết kế theo nét kiến trúc đặc trưng là nhà ngói 3 giam, 5 gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ… và xen kẽ đó là những ngôi nhà hai tầng mang nét kiến trúc Pháp vào đầu thế kỷ 20, hài hòa với phong cách nhà truyền thống.

Kiến trúc cổ còn vẹn nguyên gợi cảm giác hoài niệm xưa cho du khách khi đến đây.

Đi dọc các con đường từ đình làng tỏa về các thôn, xóm và ngõ của làng, người ta vẫn nhận ra được quy hoạch “xương cá” phổ biến. Trong làng vẫn giữ được một số con đường gạch lát nghiêng, nhiều con ngõ vẫn còn cổng. Ngoài "kho tàng" về nhà cổ, làng cổ Cự Đà còn có nhiều đình, chùa, miếu mạo đều là những di sản được xếp hạng di tích quốc gia.

Du khách tham quan làng cổ Cự Đà có thể chụp ảnh mái đình, chùa, nhà cổ; lối ngõ rêu phong, giếng làng, xung quanh là những cây xoài, quéo cổ thụ, thân mang đầy rêu mốc của thời gia, trải nghiệm về những hoài niệm xưa.  

Vẻ đẹp trầm mặc của ngôi làng cùng khung cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây khiến lòng an nhiên đến lạ. Cái bình dị, ấm áp, gần gũi của Cự Đà như một phần thân thuộc đã gắn bó từ lâu trong tiềm thức mỗi chúng ta.

Minh An
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.