Làng cổ Đường Lâm: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa Việt xưa
Cách Hà Nội khoảng 44km, thuộc thị xã Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm được mệnh danh là một trong những ngôi làng cổ nhất miền Bắc. Từ những bức tường gỗ, lối đi lát gạch nghiêng đến những bức tường đá ong màu vàng sụm nổi bật, nơi đây luôn là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu.
Đến Đường Lâm, khách du lịch như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, tách biệt hẳn với cuộc sống ồn ã thường ngày. Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,…, cùng những ngôi nhà bằng đá ong nằm san sát theo con đường làng quanh co, uốn lượn. Dấu ấn của một thời quá khứ xa xưa với những trang sử hào hùng hiện về, trở thành những giá trị lịch sử trường tồn của đất nước.
Theo bản đồ địa chính, Đường Lâm hiện có 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụng Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Đây là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ.
Nơi đây như một “Bảo tàng sống” lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trải qua hàng nghìn năm: Từ Đình Phùng Hưng, đền Ngô Quyền tới đền thờ bà chúa Mía... Đặc biệt, ở Đường Lâm còn giữ lại được những ngôi nhà cổ với đường nét kiến trúc từ thế kỷ 17 - 18 cùng phong tục tập quán tín ngưỡng được gìn giữ bất biến qua nhiều đời.
Theo thống kê của Ban quản lý làng cổ Đường Lâm, hiện tại có tổng số 956 ngôi nhà cổ, tập trung chủ yếu ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850... Thành thử đến bây giờ, tuổi đời xấp xỉ 300 - 400 năm. Tất cả đều được xây dựng bằng đá ong, gỗ xoan, gạch đất nung, ngói, với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian. Gian giữa để thờ, trang trí cửa võng, có bàn ghế, sập gụ, các nét chạm trổ vẫn được giữ nguyên với các tích phong cảnh thể hiện nền nếp của các cụ ngày xưa.
Ngoài sân vườn vẫn có giếng đá ong cổ, nước giếng rất trong có thể sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Du khách bị hấp dẫn bởi những con đường gạch lát sạch sẽ và cảm nhận sự ấm cúng, bình yên của con người ở đây khi đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm, giếng nước, sân đình, ruộng nước, những ngôi chùa uy nghi.
Giá trị nữa của Đường Lâm chính là ở cách quy hoạch không gian. Làng Mông Phụ được đặt trên một quả đồi thấp. Đỉnh đồi là ngôi đình lớn với sân rộng như một quảng trường, từ đó tỏa ra các hướng vào xóm. Làng được quy hoạch theo lối lan tỏa từ tâm điểm là đình làng. Sân đình chính là một ngã sáu tỏa ra những con đường dẫn đến mọi ngõ ngách của làng.
Điều đặc biệt là dù đi hay đến và bắt đầu từ xóm nào, không ai phải quay lưng với hướng chính của mình. Các ngôi nhà trong làng đều được cấu trúc theo kiểu nội tự, ngoại khách, sân nhà thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân (tụ thủy sinh tài) rồi mới chảy thoát ra đường cống.
Không những là nơi có nhiều nhà cổ, Đường Lâm còn là cái tên gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, là nơi được mệnh danh là đất "hai vua" - nơi sinh thành của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Nơi đây còn có nhiều dòng họ “trâm anh thế phiệt,” sinh ra các bậc nhân tài.
Có lẽ hiếm nơi nào ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sở hữu nhiều đặc sản truyền thống gắn với tên đất, tên làng như Đường Lâm. Nhắc tới Đường Lâm, người ta nhớ tới tương Mông Phụ, gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi... Tất cả những sản vật ấy đều được làm từ những nguyên liệu sẵn có ở một làng quê truyền thống có lối sống nông nghiệp, được các thế hệ kế thừa, trao truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Đấy chính là những tri thức dân gian quý báu mà người dân Đường Lâm nâng niu, giữ gìn.
Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào đối với người dân Đường Lâm nói riêng và lãnh đạo Ban Quản lý, xã Đường Lâm nói chung.
Việc công nhận Đường Lâm là Di tích lịch sử văn hoá đã đưa ngôi làng này lên một vị thế mới, có ý nghĩa đặc biệt về du lịch và giáo dục lịch sử, văn hoá của dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay. Trung bình mỗi năm, làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000-130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế.
Để lưu giữ “hồn” làng Việt cổ, tháng 5/2006, thị xã Sơn Tây cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập kế hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa - lịch sử của làng cổ Đường Lâm. Theo đó, Cục di sản Văn hóa và thị xã Sơn Tây đã điều tra khảo sát và phối hợp với chuyên gia nhiều nước, trong đó có sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ chức Jaica - Nhật Bản tham gia trùng tu, tu bổ các di tích. Cũng từ đó, các lớp tập huấn được mở ra nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ cảnh quan di tích cho cán bộ và nhân dân.
Nếu người Hội An tự hào về phố cổ, người Hà Nội hãnh diện với 36 phố phường thì người Đường Lâm cũng có thể tự hào không kém về những ngôi nhà đá ong và làng cổ Đường Lâm vẫn là một địa chỉ thu hút khách du lịch mỗi khi họ đến Sơn Tây. Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập nhưng vẫn sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, làng cổ Đường Lâm chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.
Thương HuyềnBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.