Làng Đào Xá: Mang âm hưởng dân tộc qua từng cây đàn

Sản phẩm - Dịch vụ
09:16 AM 11/10/2022

Làng Đào Xá nổi tiếng là nơi chế tác ra các loại nhạc cụ dân tộc suốt nhiều thế kỷ. Rất nhiều loại đàn dân tộc độc đáo ra đời từ ngôi làng này như đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà,...

Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi về hướng Nam chừng 50km có một ngôi làng nhỏ nằm trên rẻo đất cuối cùng của Hà Nội, là nơi chế tác ra các loại nhạc cụ dân tộc có bề dày hơn 200 năm tuổi. Đó là làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng trong cả nước khi còn giữ được nghề truyền thống tới ngày nay.

Làng Đào Xá: Mang âm hưởng dân tộc qua từng cây đàn - Ảnh 1.

Vẻ đẹp thanh bình của làng Đào Xá. Ảnh: Fanpage Làng Đào Xá

Đến làng Đào Xá, người ta dễ dàng bắt gặp một khung cảnh làng quê thanh bình với những đồng ruộng trải dài. Thoạt nhìn, ngôi làng nhỏ nhắn này chẳng khác gì với hầu hết những làng quê khác ở Bắc bộ, thế nhưng, thôn xóm lặng yên này lại chính là cái nôi sinh ra những thanh âm tuyệt mỹ mang đậm dấu ấn dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

Ngay khi đặt chân đến làng Đào Xá, du khách không chỉ ngửi thấy mùi hương của gỗ làm đàn mà còn nghe thấy âm thanh của tiếng đàn, tiếng nhị phát ra từ các hộ gia đình chế tác đàn.

Làng Đào Xá: Mang âm hưởng dân tộc qua từng cây đàn - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn đang hoàn chỉnh thanh âm của một cây đàn. Ảnh: Tiền Phong

Nghề làm đàn ở Đào Xá, theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại, do cụ Đào Xuân Lan khởi xướng. Ngày ấy, cụ Lan hành hương sang phương Bắc rồi học được bí quyết và mang nghề về làng. Ban đầu cũng chỉ dạy cho người trong họ, để trong lúc nông nhàn có thêm việc và cũng là hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, các đám hát, phường hội rất cần những cây đàn tam, đàn tứ, tỳ bà… Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó nghề làm đàn trở thành nghề truyền thống của Đào Xá, chế tác nhạc cụ cổ truyền trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Năm 2009, làng nghề Đào Xá được Thành phố Hà Nội công nhận là Làng nghề truyền thống.

Sản phẩm của làng có mặt khắp mọi miền trong Nam ngoài Bắc. Từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Sài Gòn... đều có cửa hàng của người Đào Xá. Đặc biệt, đàn Đào Xá còn được nhiều du khách nước ngoài biết đến, không ít người cất công đến tận làng để mua được cây đàn ưng ý.

Làng Đào Xá: Mang âm hưởng dân tộc qua từng cây đàn - Ảnh 2.

Một công đoạn làm đàn. Tuy trông đơn giản nhưng lại cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh: Tiền Phong

Sản phẩm của làng rất đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có cả. Những ai đã theo nghề này đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục.

Những thành quả đó không phải ngẫu nhiên có mà xuất phát từ chính con tim, khối óc của những người thợ yêu nghề vì nghề làm nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện sản phẩm đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và tài hoa của người thợ.

Có một điều lạ là các thợ làm đàn không một người nào được đào tạo qua trường nhạc mà biết nhạc lý hay đánh đàn, họ chỉ biết dựa vào những kiến thức của cha ông truyền lại. Đặc biệt hơn, để xác định âm sắc kim, thổ cho cây đàn thì chỉ dựa vào những kinh nghiệm gia truyền để tìm loại vật liệu làm sao cho phù hợp, không hề có một công thức hay sách vở nào để dựa vào làm theo.

Sản phẩm của làng rất đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu...

Ngoài việc sản xuất đàn theo sản phẩm y nguyên truyền thống, những nghệ nhân còn chế tác theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng những khách hàng khó tính nhất.

Nghệ nhân Đào Xuân Soạn nhớ lại, có nhiều bạn trẻ lặn lội về tận làng để đặt hàng theo yêu cầu. Ví dụ một bạn trẻ Hà Nội đặt đàn tranh (đàn thập lục), vì muốn phá cách trong dòng nhạc truyền thống nên yêu cầu thợ đàn chế tác 21 dây, khác nhiều so với cây đàn tranh có 16 dây truyền thống. Có lẽ, cái khó đối với nghề chế tác đàn cần năng khiếu âm nhạc và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng trẻ, ông Soạn phải tự mình nghiên cứu và kinh nghiệm gia truyền của mình nới rộng khoảng cách, căn chỉnh dây phím sao cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo âm đàn chuẩn, chính xác.

Là một nét đẹp truyền thống, nghề làm đàn Đào Xá như mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các thế hệ sau. Những chiếc đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tranh vang lên âm hưởng, giai điệu ca trù, hát văn, cải lương,...

"Trăm năm vang danh nghề đàn Đào Xá" nhưng cơn lốc đổi thay của nền kinh tế thị trường, nghề làm đàn truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Không chỉ địa phương mà ngay chính Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn cũng nỗ lực cố gắng tìm hướng đi mới để giữ gìn nghề truyền thống của làng. Ông sẵn sàng mở các lớp dạy nghề miễn phí, chỉ bảo tận tình những người muốn theo nghề làm đàn.

Làng Đào Xá: Mang âm hưởng dân tộc qua từng cây đàn - Ảnh 4.

Có một điều lạ là các thợ làm đàn không một người nào được đào tạo qua trường nhạc mà biết nhạc lý hay đánh đàn, họ chỉ biết dựa vào những kiến thức của cha ông truyền lại. Ảnh: Tiền Phong

Giờ đây làng Đào Xá đang từng bước hòa nhập với cơ chế thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Hiện tại, do nhu cầu sử dụng các nhạc cụ truyền thống cao nên những hộ gia đình làm đàn vẫn có thu nhập khá. Cho tới thời điểm này, không cuộc thi hay buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc nào xa gần quanh vùng vắng mặt nhạc cụ do làng Đào Xá làm ra. Chính vì vậy, ngày càng nhiều khách hàng biết tới và đặt mua đàn ở làng Đào Xá hơn.

Nếu có dịp về thăm làng, du khách hãy hỏi và ghé đến các xưởng làm đàn để được tìm hiểu và chứng kiến từng công đoạn làm đàn dân tộc đầy thú vị nhé.

Minh An
Ý kiến của bạn