Làng gốm Giang Cao: Sức bật từ làng nghề "trẻ"

Địa phương
02:53 PM 26/10/2022

Không có lịch sử lâu đời tới cả vài trăm năm như gốm Bát Tràng, song gốm Giang Cao (thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) lại có sức bật của một làng nghề 60 năm tuổi, đã được công nhận là làng nghề truyền thống Hà Nội.

Làng gốm Giang Cao trước đây có tên gọi là Đông Sáng, sau đổi thành Đống Ca và đến thời nhà Nguyễn trước đời vua Ưng Xụy, niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888), được đổi thành Giang Cao. So với lịch sử làm gốm của Kim Lan (800 năm) và làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao có tuổi nghề còn khá trẻ.

Ngày xưa, người dân Giang Cao không mở xưởng gốm mà chỉ đi làm thuê cho bên Bát Tràng. Đến thời Pháp thuộc, có ông Phán Sồ, đã đỗ tú tài, mở một xưởng gốm có tên là Ngọc Quang. Đó là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao.

Làng gốm Giang Cao: Những nghệ nhân trẻ giữ hồn làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Tác phẩm của nghệ nhân Giang Cao sắc sảo, tràn đầy màu sắc tươi sáng. Ảnh: Công Thương

Mặc dù tuổi nghề ít hơn rất nhiều so với làng gốm Bát Tràng, nhưng theo thống kê của UBND xã Bát Tràng, thôn Giang Cao đóng góp hơn 50% tổng thu nhập của xã Bát Tràng. Làng Giang Cao tuy còn trẻ nhưng thế mạnh của người dân làng là sự nhạy bén thị trường, tính hiệu quả và nhìn thấy được nhu cầu thực tế của khách hàng.

Những nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, vừa theo nhu cầu của thị trường, vừa sáng tạo nghệ thuật theo sở thích cá nhân. Những dòng sản phẩm chủ yếu là sản phẩm phục chế, phục cổ, sản phẩm gia dụng cao cấp. Một số người phát triển hướng làm gốm sứ theo dòng mỹ thuật cao cấp, có người theo dòng sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh...

Du khách khi đặt chân đến mảnh đất xã Bát Tràng sẽ bắt gặp ngay một dãy các cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm gốm được bài trí một cách tinh tế, sang trọng với đầy đủ các mặt hàng gốm tiêu biểu của xã Bát Tràng. Các dãy cửa hàng kinh doanh này phần lớn thuộc sở hữu của người dân thôn Giang Cao. Ở xã Bát Tràng, nếu thôn Bát Tràng được biết đến là khu vực sản xuất, thì thôn Giang Cao lại có thế mạnh về kinh doanh thương mại.

Một số sản phẩm của người dân Giang Cao. Ảnh: Công Thương/Báo ảnh Việt Nam

Lợi thế này đến từ việc thôn Giang Cao có nhiều điều kiện thuận lợi như đất đai còn rộng để phát triển, số nghệ nhân, số hộ, số doanh nghiệp đông hơn. Sự năng động, sáng tạo và sức bật của làng nghề trẻ cũng đã giúp Giang Cao ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.

Với sự nhạy bén thị trường khi làm kinh doanh thương mại, người dân Giang Cao bắt đầu tìm hướng đi sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng. Thành tựu lớn nhất trong những năm trở lại đây là Giang Cao đã tập trung vào thế mạnh sản xuất gốm kiến trúc. Nổi bật là hai dòng sản phẩm gói âm dương và nghệ thuật mosaic gốm (nghệ thuật ghép mảnh gốm).

Làng gốm Giang Cao: Những nghệ nhân trẻ giữ hồn làng nghề truyền thống - Ảnh 3.

Gốm ứng dụng trong kiến trúc và mỹ thuật. Ảnh: Công Thương

Với dòng sản phẩm ngói âm dương, gốm Giang Cao đã góp mặt vào các công trình kiến trúc tâm linh lớn của Việt Nam như chùa Bái Đính, chùa Tam Trúc, … Ngói âm dương thuộc dòng men đặc biệt được người dân thôn Giang Cao phục chế lại. Dòng nghệ thuật mosaic gốm thì cũng đã được sử dụng ở các công trình nổi tiếng như: con đường gốm sứ; nhà ghép gốm kỷ lục Việt Nam,….

Ngoài ra, những dòng sản phẩm của Giang Cao chủ yếu là sản phẩm phục chế, phục cổ, sản phẩm gia dụng cao cấp,… Gốm Giang Cao nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong. Loại men này có độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Ngoài ra, còn có các loại men rạn, men cát, men chảy, men kính, men co, men giả đá. Mỗi loại đều có những nét độc đáo riêng mà chỉ có người sành gốm mới có thể thẩm định được.

Hiện nay theo yêu cầu sản xuất gốm công nghiệp, hay mĩ nghệ, nghệ nhân gốm ở Giang Cao có thể đắp nặn một sản phẩm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt. Sau đó sản phẩm gốm được mang đi phơi sấy và sửa lại. Nếu theo yêu cầu trang trí, có thể đắp nổi, khoét chìm trên sản phẩm rồi cắt tỉa để tạo hình có các hoạ tiết trang trí trên mặt sản phẩm... Hoặc nếu vẽ hoa văn thì thợ gốm dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn họa tiết. Những thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hòa với dáng gốm, các trang trí họa tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật. Thợ gốm Giang Cao đã dùng rất nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu, vẽ men trên men...

Cùng với gốm Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, gốm Giang Cao đã được chọn để vinh danh cho gốm sứ truyền thống Việt Nam. Sản phẩm gạch hoa, ngói gốm, ngói sành của các công ty như Quang Minh, Thanh Hải cũng được dùng trong công trình phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế.

Du khách đến Giang Cao, không chỉ được "mục sở thị" các công đoạn làm gốm sứ đầy sáng tạo, điêu luyện của các nghệ nhân trẻ mà còn được tham quan mua sắm những sản phẩm gốm sứ tinh tế được bày bán dọc đường làng.

Ngoài ra, du khách không nên bỏ qua các điểm tham gian khác nơi đây. Trong đó có Đình làng Giang Cao. Đình được xây dựng vào cuối thời Lý, Đình thờ tứ vị Thiên thần được tiến phong là các bậc Thượng đẳng phúc thần và Đương cảnh Thành hoàng làng. Địa điểm tham quan sẽ mở cửa từ 8h đến 17h30.

Làng gốm Giang Cao: Những nghệ nhân trẻ giữ hồn làng nghề truyền thống - Ảnh 4.

Đình làng Giang Cao. Ảnh: VOV

Du khách còn thời gian có thể thăm miếu bản hay còn gọi là Tiêu Sơn Miếu ở làng Giang Cao là nơi thời vị Thành Hoàng bản thổ, được xây dựng vào đời nhà Trần. Tiêu Sơn Miếu trở thành biểu tượng và niềm tự hào của cả cộng đồng người dân làng Giang Cao.

Làng gốm Giang Cao ngày nay sôi động và hiện đại nằm sát bên làng cổ Bát Tràng. Gốm mới về Giang Cao hơn 60 năm trước, song cùng với sự phát triển của công nghệ, cộng với sự nhanh nhạy của người Giang Cao đã và đang tạo nên những thay đổi nhanh chóng cho vùng quê này. Những nét vẽ, màu men truyền thống và hiện đại song hành trên hàng ngàn sản phẩm đã góp phần để gốm Giang Cao ngày một bay cao, bay xa.

Minh An
Ý kiến của bạn