Làng hoa Ngọc Hà - tên gọi của miền ký ức
Làng hoa Ngọc Hà nay thuộc địa bàn phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội). Xưa kia, nơi đây vốn là một ngôi làng cổ với tuổi đời hơn một nghìn năm, trong lòng người Hà Nội xưa làng hoa Ngọc Hà vẫn luôn là một miền kí ức đẹp đầy hoài niệm.
Làng hoa cổ Ngọc Hà còn gọi là Trại Hàng hoa, nằm trong Thập Tam trại (tên gọi dân gian để chỉ 13 làng nghề nằm phía Tây kinh thành Thăng Long). Từ năm 1981 làng trở thành địa phận thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình nhưng lớp người Hà Nội gốc vẫn quen gọi nơi đây là làng Ngọc Hà.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về… những câu hát trong bài “làng lúa làng hoa” vang lên, người Hà Nội lại tần ngần nhớ về miền ký ức đẹp đẽ, với những bọc hoa đủ loại thơm ngát dâng lên ban thờ, hay những gánh hàng hoa theo chân người làng Ngọc Hà len lỏi qua từng con phố.
Sử sách còn ghi chép lại: “Ở mạn Nam Hồ Tây, chỉ cách bờ hồ tầm một con đê, vốn là bức tường bao phía Bắc Hoàng Thành Thăng Long, làng hoa Ngọc Hà ra đời ở ngay trên khu vườn thượng uyển của các vị vua cuối triều Lý. Người xưa đã lấy tên của dòng Ngự Hà chảy qua khu Ngự Uyển này đặt tên cho làng là Ngọc Hà như ngày nay”. Cái tên Ngọc Hà ra đời từ đó. Thế mới biết, làng hoa lâu đời bậc nhất Hà Thành đã gắn liền với vùng đất theo suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng nghìn năm biến cố, người làng Ngọc Hà vẫn giữ được nét đẹp tinh túy của người Hà Nội, ngày ngày mang “hương sắc” cho đời.
Người dân Ngọc Hà xưa trồng đủ các loại hoa đẹp, nhà nào nhà nấy hai bên bờ dậu trồng đầy hoa tươi. Mới chỉ bước đến đầu làng, người ta đã cảm nhận được hương hoa thơm nức lẫn vào trong gió, cả làng Ngọc Hà lúc bấy giờ cứ như một bức tranh đủ sắc màu, đi đến đâu cũng thấy chỉ có hoa, từ những giống hoa quen thuộc như cúc, hồng, lan…
Thời gian đầu, dân làng chỉ chủ yếu tập trung trồng các loại cây quen thuộc như hoa mẫu đơn, hoa huệ, hoa hồng, hoa cúc vạn thọ… Đầu thế kỷ XX, người Pháp đưa các loại hoa lay ơn, cẩm chướng, cúc, violet và rau củ ngoại đến Ngọc Hà. Người Ngọc Hà dần học được kỹ thuật trồng các loại hoa này, vừa để bán cho cả người Việt và người Pháp, vừa để chơi trong nhà mình. Các quầy bán hoa bắt đầu mọc lên ở các ngã tư các phố Tây, tập trung ở khu vực Hồ Gươm, phố Hàng Lược và chợ Đồng Xuân. Vào dịp Tết Nguyên đán, hình thành chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, chủ yếu do người làng Ngọc Hà bán. Cho đến những năm 1970, Ngọc Hà vẫn còn là một làng trồng hoa cung cấp hoa tươi trong nội thành Hà Nội.
Đối với người dân Ngọc Hà, trồng hoa không chỉ là một nghề để kiếm sống mà còn là một nét đẹp truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác, là niềm tự hào của người dân Ngọc Hà nói riêng, người dân Hà Nội nói chung mỗi khi nhớ về. Những khóm hoa Ngọc Hà đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Người phụ nữ Ngọc Hà mặc áo tứ thân, gánh hoa trên phố đã trở thành nét đẹp của Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Nổi tiếng một thời là vậy nhưng làng hoa Ngọc Hà không tránh khỏi sự bủa vây của cơn lốc đô thị hóa và kinh tế thị trường. Đến khoảng những năm cuối của thập kỷ 70, làng hoa dần đánh mất sức sống vốn có. Vì miếng cơm manh áo, những nghệ nhân trồng hoa đã phải bỏ vườn, bỏ nghề để đi tới vùng khác kiếm kế sinh nhai.
Giờ đây, cái tên làng hoa Ngọc Hà chỉ là tên gọi của ký ức, qua những câu thơ, câu ca dao. Trên hầu hết các văn bản giấy tờ chính thức của Nhà nước, khu vực làng Ngọc Hà đã bị thay bằng tên các con ngõ, con phố thuộc địa bàn phường Ngọc Hà.
Ngọc Hà hôm nay đang trên con đường phát triển toàn diện và vững chắc, hồ Đầm, hồ Bảy Gian đã được cải tạo, đình Ngọc Hà nổi bật như lẵng hoa đẹp trong lòng Hà Nội, nhà cao tầng ngày một nhiều, con đường Đại Yên đã bàn giao, trụ sở công an phường, nhà văn hóa phường được thành phố cấp đất xây dựng mới, đường ngõ được nâng cấp toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Ngọc Hà ngày một nâng cao.
Đặc biệt, Ngọc Hà tập trung nhiều cơ quan quan trọng như: Bộ Nông Nghiệp, Văn phòng Chính Phủ, Văn phòng Chủ Tịch. Bởi vậy, khu vực này rất sầm uất, nhộn nhịp, đại diện cho bộ mặt của phường và quận Ba Đình.
Ngoài ra, phường còn có khu di tích đặc biệt mang tên Phủ Chủ Tịch gồm Lăng Chủ Tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp và xác máy bay B52. Đón tiếp hàng nghìn khách du lịch trong nước và thế giới tham quan và tìm hiểu mỗi ngày, mở ra cơ hội kinh doanh, buôn bán cho cư dân sinh sống tại phường Ngọc Hà.
Dù chỉ còn được nhắc đến như một địa danh trong tiềm thức của nhiều người Hà Nội, nhưng những ký ức tươi đẹp và giá trị di sản của làng hoa Ngọc Hà - một làng nghề nghìn năm tuổi vẫn còn lưu giữ mãi trong trái tim của người dân nơi đây.
Thương HuyềnBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.