Làng lụa Vạn Phúc gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam
Nói đến làng lụa Vạn Phúc (hay còn được gọi là làng lụa Hà Đông) nằm tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Vốn tồn tại hơn một nghìn năm, làng là một trong những làng dệt lụa tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam.
Qua các thư tịch cổ cho thấy, mảnh đất Vạn Phúc ngày nay đã được hình thành phát triển từ năm 865 sau Công nguyên. Thủa ấy, trong một lần di kinh lý trên sông, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền phải thốt lên: "Đất Vạn Bảo (tức Vạn Phúc) núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Đây thật là cảnh thanh nhàn". Bà Lã Thị Nga – vợ của Cao Biền – thấy vùng đất này thơ mộng đã về ngụ tại đây, bà dạy dân cách làm ăn bằng nghề trông dâu, nuôi tằm và dệt lụa tơ tằm. Khi bà qua đời, nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo đã thành kính suy tôn bà làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu và hiện vật cổ còn giữ lại cho thấy, nghề dệt ở Vạn Phúc ra đời cách đây khoảng 1.000 năm, vào khoảng thế kỷ XIII. Vì thế, bà Lã Thị Nga chưa hẳn là vị tổ nghề như nhiều người từng nói, nhưng bà chính là người có công khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển làng nghề, đưa nghề dệt trở thành nghề truyền thống ở Vạn Phúc.
Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng. Cái nét đắc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Trong các loại lụa cổ truyền Vạn Phúc, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân, một loại lụa tưởng chừng như đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân làng nghề.
Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý... khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.
Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia... Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho đất nước.
Vạn Phúc hiện có gần 800 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề (khoảng 27 tỷ đồng). Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Hiện nay, Vạn Phúc có trên 1.000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây làm việc. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.
Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: "Hiện nay trong làng chỉ còn duy nhất gia đình cụ Đỗ Văn Thiện hiểu về gấm và lưu truyền được. Trong một vài năm tới chúng tôi mong muốn khắc phục lại nghề gấm nhưng vẫn cần phải có vốn".
Những năm chống thực dân Pháp, kháng Nhật, làng lụa Vạn Phúc không chỉ có nghề truyền thống dệt vải mà còn là nơi nuôi giấu, tổ chức đưa đón, bảo vệ an toàn cán bộ của Đảng; Xứ uỷ Bắc kỳ họp phiên khẩn cấp, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn Xứ. Đồng thời, là nơi đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 16/8/1945; Cũng là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc... Tại đây, ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" do Người soạn thảo.
Nhớ lại năm 1938 đến năm 1945, nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng về Vạn Phúc hoạt động như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh... Ngôi nhà cụ Nguyễn Quang Oánh trong làng là một trong những nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng năm xưa như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sống và làm việc một thời gian. Thời kỳ này, nhà cụ Oánh cũng là nơi đặt xưởng in tờ báo "Cờ Giải phóng" - cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Bắc kỳ trong hai năm 1938 - 1939. Chính nơi đây cũng là địa điểm mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị khóa đầu tiên cho cán bộ cách mạng.
Sau cuộc kháng chiến thành công, Vạn Phúc đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 18 gia đình được tặng Kỷ niệm chương, 13 gia đình được tặng Bằng Có công với nước, 16 gia đình được ghi Sổ vàng Gia đình cơ sở Cách mạng.
Phát huy truyền thống cách mạng, Vạn Phúc hôm nay luôn là địa bàn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng thay da đổi thịt gắn phát triển du lịch với làng nghề dệt truyền thống, hiện mỗi ngày Vạn Phúc đón hàng chục đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, mua sắm. Đồng thời nơi đây cũng là điểm di tích cách mạng mà các tour du lịch không thể bỏ qua.
Hà LoanKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.