Làng nghề 300 năm tuổi ở xứ Thanh tất bật vào Tết

Địa phương
11:15 AM 19/12/2022

Những ngày này, đến làng nghề Đông Khê, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đều thấy mọi người tất bật cho ra những mẻ hương mới để phục vụ người dân đón Tết. Làng hương Đông Khê từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống và có tuổi đời hơn 300 năm tuổi.

Thời điểm này, làng nghề làm hương truyền thống Đông Khê, xã Hoằng Quý đang tất bật sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán là vụ tiêu thụ lớn nhất trong năm. Giờ đây nghề làm hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh trong ngày lễ tết, mà nghề làm hương hàng trăm năm nay đã trở thành thứ sản phẩm hàng hóa không thể thiếu trong mỗi độ tết đến xuân về, mang lại thu nhập cao cho các hộ sản xuất.

Có một làng nghề 300 năm tuổi ở xứ Thanh tất bật vào tết - Ảnh 1.

Theo các cụ cao niên trong làng kể, nghề làm hương ở Đông Khê do cụ Đoàn Nhân Cảnh học được từ vùng ngoại thành Đông Đô (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) đem về dạy cho dân làng. Một số ý kiến khác lại nói ông tổ nghề này là cụ Thượng thư Lưu Đình Chất khi đi sứ nhà Thanh, triều đại Minh Thế Tông đem về truyền lại cho dân làng.

Câu chuyện làng nghề truyền thống được các cụ kể lại như vậy và người dân làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, phát huy, giữ gìn, đã truyền nối công việc này và dạy cách làm hương cho các đời con cháu được hơn 300 năm.

Lúc cao điểm, có khoảng 2/3 hộ dân trong làng làm công việc này. Theo dòng thời gian và biến đổi của thời cuộc, nghề làm hương ở đây có phần mai một, từ chỗ có gần 100 hộ làm hương vào thời điểm năm 2015 thì đến nay, chỉ còn 1 hộ làm thường xuyên và 2 hộ làm thời vụ vào thời điểm cận Tết.

Có năm, làng nghề xuất ra thị trường hàng trăm vạn que hương, cung cấp cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Năm 2015, làng nghề làm hương Đông Khê được công nhận "làng nghề truyền thống" ở xứ Thanh.

Có một làng nghề 300 năm tuổi ở xứ Thanh tất bật vào tết - Ảnh 2.

Đặc biệt, hương Đông Khê được người sử dụng truyền tụng nhau là có hương thơm trầm, dịu nhẹ. Hương cháy hết nén và tàn hương có vòng xoắn lộc. Hai loại hương nổi tiếng của làng nghề được sản xuất nhiều nhất là hương sào và hương trăm.

Với cách làm thủ công truyền thống, làng hương Đông Khê vẫn giữ được nét đặc trưng trong hương thơm mát dịu của từng que hương. Theo thời gian và sự tiến triển của xã hội, nghề làm hương tại làng Đông Khê dần chuyển đổi từ làm hương thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm sang sản xuất bằng máy đạp chân rồi sản xuất bằng máy điện.

Có truyền thống làm hương lâu đời, gia đình ông Đoàn Văn Mậu, thôn Đông Khê, xã Hoằng Qùy, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng là một trong số ít ỏi những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm hương bằng phương pháp thủ công.

Ông Đoàn Văn Mậu cho biết thêm: Trước đây, những ngày này cuối năm đến làng Đông Khê là bắt gặp cảnh người trong làng ai ai cũng tất bật, hối hả, nhộn nhịp với công việc làm hương, các cụ học nghề, giữ nghề rồi truyền lại cho con cháu. Cái tình, cái nghĩa theo năm tháng mà dày thêm. Bản thân ông Mậu ngay từ khi lên 8, lên 10 cũng bắt chước ông bà, bố mẹ làm hương rồi bén nghề từ đó.

Cũng theo ông Mậu, nghề làm hương vốn đã khó nhọc nhưng cũng còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì ngày nắng mới làm được, thậm chí ngay cả khi trời nắng, hương đang phơi mà bỗng gặp cơn mưa rào, không kịp sử lý đưa vào nhà thì mẻ hương đó phải bỏ đi hết.

Thông thường, để cho ra mẻ hương tốt phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Hương liệu trước đây phải là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây trám, rồi trộm lẫn với các vị thuốc Bắc như nụ hồi, đinh hương, cam thảo… tạo mùi thơm rất dễ chịu. Hương trầm là loại hương được ưa chuộng nhất không chỉ bởi mùi thơm, mà còn bởi hương cháy đều khi đốt lên, tàn hương, báo hiệu những điềm tốt lành.

Mặc dù đã có máy móc thay thế nhưng nhiều công đoạn, các hộ gia đình làng hương ở Đông Khê, xã Hoằng Qùy vẫn làm bằng thủ công từ công đoạn pha chế màu nhuộm cho đến xe hương. Vì vậy cây hương nhìn tròn trịa, dẻo và không bị bể, nứt.

Xe hương xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Đến khi thắp, hương sẽ cháy đến hết và tàn hương thì uốn cong rất đẹp. Hương của làng Đông Khê không chỉ có mặt trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh khác cả trong Nam ngoài Bắc.

Mặc dù hương làng Đông Khê khá nổi tiếng nhưng nghề này đang dần mai một, không còn mấy người trẻ mặn mà với nghề làm hương. Hiện nay lao động chủ yếu là những người có tuổi, phụ nữ nông nhàn ở chốn quê, vì yêu nghề truyền thống của cha ông nên muốn lưu giữ lại nghề truyền thống này.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.