Làng nghề đồ gỗ Hữu Bằng: Khẳng định chất lượng qua từng sản phẩm
Làng nghề đồ gỗ nội thất Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) đang cố gắng giữ gìn và phát triển nghề mộc truyền thống của Việt Nam. Dù ở phân khúc thị trường giá rẻ hay cao cấp thì mộc nội thất Hữu Bằng luôn đảm bảo giá trị và chất lượng cao.
Sôi động một làng nghề
Làng nghề đồ gỗ nội thất Hữu Bằng nằm ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, chỉ cách thị trấn Liên Quan khoảng 3 km. Nếu muốn tới làng tham quan và mua sắm đồ nội thất, bạn có thể đi theo 2 đường chính là quốc lộ 32 hay đường Đại Lộ Thăng Long.
Trước đây, Hữu Bằng là làng nghề dệt may truyền thống, nhưng do nhu cầu của thị trường, các hoạt động sản xuất nội thất và buôn bán sản phẩm gỗ trở nên rất phát triển. Điều này đã góp phần đưa xã Hữu Bằng trở thành một trong những làng nghề sản xuất đồ gỗ gia dụng sầm uất, có tiếng.
Dạo quanh những con đường nhỏ quanh xã, nơi đâu cũng vang tiếng cưa máy, đục đẽo, tiếng máy bắt vít… Với khách đến làng nghề, có thể âm thanh ấy là tiếng ồn “inh tai”, nhưng với người dân nơi đây, đó là “bản hòa tấu” náo nhiệt, là thanh âm của cuộc sống. Chỉ chừng ấy thôi, khách đến làng nghề cũng cảm nhận thêm được sự yêu lao động, trân quý công việc của những người thợ nghề nơi đây.
Anh Nguyễn Thành Sơn - chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất cho biết: Gia đình anh đã theo nghề từ nhiều năm nay, xưởng có đa dạng các sản phẩm từ phân khúc bình dân đến dòng sản phẩm cao cấp, hễ khách hàng có nhu cầu, các tay thợ lành nghề đều có thể đáp ứng tối đa... Hiện xưởng của anh có hơn 10 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 12 triệu đồng.
Cũng như anh Sơn, hộ sản xuất của gia đình chị Hiền cũng có gần 20 lao động đang làm việc. Theo chị, xu hướng của người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Nếu như trước kia, ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi mua hàng là giá cả sản phẩm thì giờ đây họ quan tâm hơn đến chất lượng, tính đa dụng, tính bền vững và thiết kế của sản phẩm. Vì thế, gia đình chị Nga nói riêng và các chủ xưởng khác trong xã nói chung không những tập trung tạo ra số lượng sản phẩm mà còn liên tục cập nhật và sáng tạo ra nhiều mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Để có thể tạo ra những mặt hàng đồ gỗ rẻ và bền, hầu hết số hộ làm nghề ở Hữu Bằng đều đầu tư các loại máy móc để cơ giới hoá sản xuất như máy cẩu, máy xẻ, máy cưa, máy bào, máy đục, máy khoan, máy bắn đinh xoáy vít, máy soi hèm, vam mộng và máy sơn gỗ PU.
Nhờ đó, giảm được các công việc sản xuất nặng nhọc, tăng năng suất lao động, nâng cao độ bền và hạ giá thành sản phẩm, gia tăng thu nhập.
Trăn trở với nghề
Hiện xã Hữu Bằng có 9 thôn đều sản xuất và kinh doanh nghề mộc. Theo lãnh đạo địa phương, toàn xã Hữu Bằng có 4.500 hộ thì hơn 1.500 hộ chuyên nghề sản xuất các đồ dùng mộc gỗ dân dụng, giúp cho hơn 5.000 lao động tại chỗ có việc làm và thu nhập ổn định 6-12 triệu đồng/người/tháng, tuỳ theo tay nghề.
Với sự thay đổi xu hướng thị trường, nhiều chủ xưởng trẻ đã tích cực tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn thay đổi, đầu tư máy móc và thiết bị tân tiến để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt và mẫu mã hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Không chỉ bán hàng tại xưởng cho khách lẻ hay đổ hàng cho các mối buôn tới làng nghề, họ còn chủ động tìm đầu ra, nhận làm các công trình và mở thêm các cửa hàng ở những thành phố khác để tiêu thụ sản phẩm làm ra. Nhiều xưởng sản xuất ở xã Hữu Bằng là nơi phân phối chính cho các cửa hàng đồ gỗ nội thất ở phố Đê La Thành, Minh Khai, Lê Duẩn (Hà Nội) và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Hiện nay, với nhu cầu ngày càng tăng, nhiều hộ ở Hữu Bằng trăn trở với việc thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề đường giao thông chật hẹp, xuống cấp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi; hệ thống thoát nước hầu như chưa hoàn thiện, gây ngập úng dài ngày mỗi khi mưa to.
Bởi vậy, nhiều cơ sở đã chú trọng vào việc nâng cao tay nghề của đội ngũ thiết kế và thợ sản xuất; tối ưu quy trình sản xuất từ thiết kế đến nguyên vật liệu sao cho vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa tối ưu hóa chi phí. Trong tương lai, các nhà xưởng đang nhắm đến việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm hạn chế sự ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là xu thế mới hướng tới sự phát triển bền vững.
Các sản phẩm của người dân Hữu Bằng đang từng ngày vươn ra nhiều thị trường, nhờ nhiều chủ thợ trên địa bàn, đã kết hợp với mở đại lý cung ứng đồ gỗ ở các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh), hoặc liên kết với các làng nghề khác trong cả nước, theo hướng chỉ tạo ra những thành phẩm cơ bản, vệ tinh tiêu thụ sẽ hoàn thiện sản phẩm cho người tiêu dùng.
Làng nghề đồ gỗ nội thất Hữu Bằng cùng với nhiều làng nghề mộc khác đang cố gắng giữ gìn và phát triển nghề mộc truyền thống của Việt Nam. Dù ở phân khúc thị trường giá rẻ hay cao cấp thì mộc nội thất Hữu Bằng luôn đảm bảo giá trị và chất lượng cao.
Cùng với sự nhạy bén và năng động, những người dân nơi đây đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, hun đúc và phát huy làng nghề truyền thống quê hương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Quỳnh TrangTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.