Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã - Lưu giữ tinh hoa văn hóa và bản sắc dân tộc

Địa phương
09:15 AM 05/07/2023

Được hình thành từ thế kỷ XVII, Làng nghề Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã được coi là một trong bốn nghề tinh hoa bậc nhất của Kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Hiện nay để giữ nghề không bị mai một, các thế hệ con cháu của dân làng Ngũ Xã vẫn kiên trì học hỏi rèn luyện, kế thừa những tinh hoa của cha ông, từ đó, nỗ lực đóng góp những tác phẩm nghệ thuật cho nền văn hóa Việt.

Vài năm trở lại đây, du lịch trong nước luôn là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều du khách Việt, nhất là những hành trình tìm về lịch sử nguồn cội, di tích và các làng nghề truyền thống. Đây là dịp để mỗi người có dịp hiểu hơn những nét đẹp của  đất nước cả về cảnh quan cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc. Đến thăm Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, du khách sẽ biết thêm nhiều về nơi được xem là kho lưu giữ sống động nghề đúc đồng truyền thống cổ xưa tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Lịch sử làng nghề đúc đồng Ngũ Xã

Làng Ngũ Xã có lịch sử hình thành khá lâu đời, tính đến nay khoảng 500 năm. Tên Ngũ Xã của làng được gắn liền với lịch sử hình thành làng. Theo sử sách ghi chép lại, vào thời nhà Lê (1428 - 1527) triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi ở năm xã gồm: Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ Xã.

Theo đó, người dân ở năm xã đã kéo về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã, tên cổ là Ngũ Xã Tràng.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã - Lưu giữ tinh hoa văn hóa và bản sắc dân tộc - Ảnh 1.

Xưởng đúc đồng xưa của làng Ngũ Xã. Ảnh tư liệu

Với diện tích tự nhiên nhỏ hẹp 0,23 km2, nên người dân làng Ngũ Xã không làm nông nghiệp. Ngay từ khi lập làng, người dân đã coi nghề thủ công đúc đồng là nghề sản xuất chính, mang tính chuyên nghiệp. Dân cư làng Ngũ Xã trong giai đoạn này khá đồng nhất về mặt nghề nghiệp. Đại bộ phận dân cư trong làng tập trung chủ yếu phục vụ cho quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm của làng nghề.

Ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Cùng thời gian và sự phát triển của nghề đúc đồng, những nghệ nhân và người thợ của làng còn đúc các đồ dùng thiết thực phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu và đúc thêm đồ thờ cúng như tượng, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa.

Qua nhiều thế kỷ, Ngũ Xã - làng đúc đồng trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân khắp các vùng miền. Do vậy, dân gian có lưu truyền câu vè ca ngợi nghề đúc đồng Ngũ Xã là một trong bốn nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa: Lĩnh hoa Yên Thái/Đồ gốm Bát Tràng/Thợ vàng Định Công/Thợ đồng Ngũ Xã.

Ngọn lửa đúc đồng Ngũ Xã trong thời nay

Ngày nay, làng Ngũ Xã không còn "lửa nhóm ghen năm xã gây lò" như trong bài phú nổi tiếng Tụng Tây Hồ phú của danh nhân Nguyễn Huy Lượng. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã trước đây và cả hôm nay vẫn khẳng định được sự tinh xảo, tính nghệ thuật và thể hiện được tâm hồn của những nghệ nhân của kinh thành Thăng Long xưa và nay mà không một xưởng đúc nào trong cả nước sánh kịp. 

Nghề đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng đã sáng tạo ra hai tác phẩm nghệ thuật nổi bật, được xem là kiệt tác nghệ thuật đúc đồng, nói lên tài năng trí tuệ của các nghệ nhân và thợ đúc đồng lành nghề của Ngũ Xã. Đó là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ, được đúc vào năm 1677; tượng cao 3,9m, nặng 4 tấn, chu vi 8m, đặt tại đền Quán Thánh, một trong 4 tứ trấn Thăng Long. 

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã - Lưu giữ tinh hoa văn hóa và bản sắc dân tộc - Ảnh 2.

Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ

Người dân Hà Nội cũng như du khách thập phương trong nước và nước ngoài khi đến thăm đền Quán Thánh sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đồng đen đó, do bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã và sẽ không khỏi trầm trồ khen ngợi và thán phục trước kỹ thuật đúc đồng tinh xảo qua từng đường nét của bức tượng. Với tác phẩm này đã đủ khẳng định vị thế to lớn của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đối với đất nước, dân tộc cùng như đối với đời sống tâm linh của người Việt.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã - Lưu giữ tinh hoa văn hóa và bản sắc dân tộc - Ảnh 3.

Pho tượng Phật Di Đà

Một tác phẩm nữa cũng do nghệ nhân Ngũ Xã sáng tạo nên, đó là tượng A Di Đà, các số đo của từng chi tiết tượng được các nghệ nhân tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt nghệ nhân tạo mẫu và chỉ huy đúc tượng cực kỳ chuẩn xác trong từng công đoạn. Tượng cao 3,95m, nếu tính cả tòa sen làm đế toàn bộ tượng cao 5,50m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,60m, nặng 12,3 tấn, được đúc liền khối bằng đồng, có chu vi ngang 11,6m. Tượng tọa lạc trên tòa sen cùng bằng đồng gồm 96 cánh sen, được đặt trong chùa Thần Quang, trên đất làng. Tượng A Di Đà to gấp 4 lần tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.

Với kỹ thuật đúc rất tinh xảo, không một tì vết khiếm khuyết, đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng kỳ vĩ độc đáo, tinh tế trên mọi phương diện kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng của nước ta. Bố cục tượng hết sức hài hòa, hợp lý. Từ thân hình đến dáng ngồi, nếp áo... đều toát lên sự trầm lắng, hiền từ, gần gũi, suy tư sâu sắc, nhưng lại vô cùng sinh động như người thực. Điều này thể hiện rõ nhân sinh quan truyền thống của đạo Phật Việt Nam. Pho tượng này đã được Trung tâm sách “Kỷ lục Việt Nam” xác nhận là bức tượng Phật bằng đồng lâu đời nhất ở Việt Nam.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm đồng Ngũ Xã. Ảnh: Công thông tin điện tử quận Ba Đình

Làng đúc đồng Ngũ Xã hiện nay là phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Trong bối cảnh xã hội mới với tốc độ nhanh chóng của hiện đại hóa và dịch vụ hóa, việc lưu truyền và giữ nghề gặp phải không ít khó khăn và thử thách. Vậy nhưng với niềm tự hào về truyền thống đúc đồng lâu đời và cao quý, vẫn còn đâu đó những người thợ làng nghề Ngũ Xã luôn nuôi trong mình ngọn lửa đam mê và tình yêu nghề, tiếp tục kế thừa tinh hoa nghệ thuật hơn 400 năm được cha ông truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác và cho ra đời những tác phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ đời sống nhân dân Việt.

Đứng trước khó khăn, các thế hệ con cháu của dân làng Ngũ Xã coi đó là một cơ hội để phát triển làng nghề – khơi dậy trong họ động lực to lớn để nỗ lực học tập và nâng cao năng lực, quyết tâm để nghề không bị mai một, từ đó, có thể đóng góp được nhiều tác phẩm và giá trị nghệ thuật hơn nữa cho con người và đất nước Việt Nam.

Hiện tại, bên cạnh việc lưu giữ những tinh hoa làng nghề đúc đồng, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa ẩm thực, thời gian qua, làng Ngũ Xã đã xác định tập trung phát huy các giá trị di tích và mở rộng không gian văn hóa - ẩm thực (Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã) dựa trên tiềm năng, đặc điểm phục vụ nhu cầu của nhân dân, du khách thập phương. 

Qua đó, phát huy các giá trị văn hóa, xúc tiến du lịch, tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Đáng nói, rất nhiều du khách thực sự ấn tượng với không gian văn hóa ẩm thực tại đây, họ đều bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục quay lại để có thêm những trải nghiệm mới.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn