Làng nghề gỗ Vân Hà khởi sắc nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP
Với truyền thống phát triển nghề chạm khắc gỗ có từ hàng trăm năm, trải qua thăng trầm lịch sử đến nay, làng nghề gỗ Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội vẫn được giữ gìn và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Chính nhờ các sản phẩm OCOP này, bức tranh kinh tế - xã hội địa phương khởi sắc, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập ổn định cho người dân.
OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề gỗ Vân Hà
Hàng chục xưởng mộc, hàng trăm gian hàng bày bán tượng phật, tượng thánh nhân, rồng, phượng... Những chuyến xe ngược, xuôi, ra vào tấp nập. Cảnh sầm uất, tỏa khắp làng xóm. Không ít khách tìm đến đây bởi cho rằng, cả nước có nhiều làng gỗ mỹ nghệ, nhưng gỗ mỹ nghệ ở Vân Hà hiện lên sự hài hòa, mềm mại, sinh động…
Nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống Vân Hà xuất phát từ thôn Thiết Úng. Qua hàng chục thế hệ, bao nhiêu lớp nghệ nhân được sinh ra, bao lớp kế cận, cứ thế, theo dòng chảy, đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng dần tạo được thương hiệu trên thị trường. Sau đó, nghệ nhân ở Thiết Úng truyền thụ nghề cho người dân các xã lân cận. Nghề mộc lan tỏa khắp xã Vân Hà, dần tạo được bản sắc, dấu ấn. Nhìn vào tác phẩm, khách có thể nhận ra sản phẩm có phải do bàn tay của nghệ nhân nơi đây làm ra hay không.
Chia sẻ về sự phát triển của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền ở thôn Thiết Úng cho hay, trải qua hàng trăm năm phát triển, cha truyền con nối, đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng dần tạo được thương hiệu trên thị trường với những nét đặc trưng riêng. Dù đến nay, hầu hết cơ sở đều đầu tư máy móc trong sản xuất song có những tác phẩm chỉ có đôi tay nghệ nhân mới tạo nên. Đặc biệt, nét độc đáo trong một tác phẩm của nghệ nhân nơi đây được thể hiện ở chỗ với một pho tượng, cái thần thái, cái nghệ thuật là ở khuôn mặt, vóc dáng và các chi tiết minh họa. Từ nụ cười, đôi má hoặc đôi mắt... đều phải toát lên được sự đồng bộ, hài hoà, mềm mại và sinh động.
Sản phẩm của làng nghề gỗ Vân Hà gồm hai loại chính là hàng nội thất và hàng mỹ nghệ được lưu truyền từ xa xưa, đến nay vẫn giữ nguyên kiểu dáng cổ.
Hàng mỹ nghệ chủ yếu là tượng gỗ. Tượng gỗ của làng nghề Vân Hà phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Điểm đặc biệt nhất ở tượng gỗ Vân Hà là mỗi pho tượng làm ra đều có một dáng, vẻ và thần thái riêng. Hàng nội thất sản phẩm chính là bàn ghế các loại; các loại tủ; các loại giường, bệ tủ ca, tủ đựng bát, các loại sập...
Những năm qua, với việc tham gia Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) một lần nữa tạo cơ hội cho sản phẩm làng nghề gỗ Vân Hà được “cất cánh”. Và con đường đến OCOP của các sản phẩm điêu khắc gỗ mỹ nghệ Vân Hà khá thuận lợi, bởi đã có một điểm tựa vững chắc, đó là sản phẩm xuất phát từ làng nghề truyền thống. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề gỗ Vân Hà có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao của Hà Nội.
Đơn cử, như hộ kinh doanh của gia đình ông Đỗ Văn Cường, năm 2020 có 05 sản phẩm là gỗ điêu khắc lợn phú quý, gỗ điêu khắc đài nến hoa sen, quả mít, tê giác một sừng… được công nhận OCOP 3 sao. Theo ông Cường, các sản phẩm gỗ Vân Hà có tính cạnh tranh, một số sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Ngoài hộ kinh doanh của gia đình ông Đỗ Văn Cường, hộ kinh doanh của bà Đào Thị Thanh Vân cũng có tới 25 năm kế thừa và phát triển nghề sản xuất đồ gỗ. Một số sản phẩm của cơ sở này như khay gỗ trái đào, tượng gỗ Phật bà quan âm, tượng gỗ lưng trâu thổi sáo, tranh điêu khắc gỗ ngũ phúc tứ quý, tượng gỗ gia đình gà, đấu vật… đạt OCOP 4 sao.
Đến nay, nghề gỗ phát triển mạnh đã góp phần quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn địa phương. Nhờ làng nghề phát triển nên đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đồng thời giữ gìn và phát triển văn hoá truyền thống. Đặc biệt là tạo ra bộ mặt đô thị hóa nông thôn mới và làm giàu trên quê hương Vân Hà. Thu nhập của người lao động từ nghề sản xuất đồ gỗ và sản phẩm gỗ mỹ nghệ hiện phổ biến từ 5 triệu đến 30 triệu/người/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập nông nghiệp từ trồng lúa.
Toàn xã Vân Hà có 60% số hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và làm nghề chạm khắc gỗ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được phân bố tại 5 thôn trong xã. Đặc biệt, xã có 14 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội công nhận; 48 thành viên là đại diện các hộ sản xuất và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn…
Tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Vân Hà có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Qua việc tham gia chương trình, các cơ sở sản xuất được chứng nhận OCOP dần chứng minh sản phẩm có khả năng tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.
Không để làng nghề mai một…
Từ một xã thuần nông, sẵn nghề làm gỗ truyền thống, người dân Vân Hà đã “biến” thành thế mạnh để phát triển kinh tế. Hiện, sản phẩm đồ gỗ Vân Hà đa dạng về chủng loại từ nội thất (tủ, đồ thờ, bàn ghế các loại) đến các bức tượng, tranh phù điêu... Các mặt hàng được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Đặc biệt, hiện nay sản phẩm của làng nghề Vân Hà được quảng bá và xuất sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ngày một nhiều hơn.
Trong lộ trình xã lên phường, Vân Hà là 1 trong 3 xã của Đông Anh được tập trung đầu tư phát triển, tạo trục động lực của huyện trong lộ trình thực hiện xây dựng Đông Anh thành quận. Xã đang tập trung thực hiện Bộ tiêu chí hợp nhất Đề án đầu tư xây dựng xã thành phường, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo nguồn lực cho làng nghề phát triển.
Đặc biệt, Vân Hà nằm trên tuyến đường trục kinh tế phía Đông của huyện Đông Anh - tuyến đường huyết mạch thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và thương mại dịch vụ. Để thúc đẩy làng nghề phát triển tầm cao mới, Đông Anh đã quy hoạch, phát triển chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, khu sản xuất, trưng bày sản phẩm…
Song, bên cạnh yếu tố thuận lợi, làng nghề gỗ Vân Hà đang đối mặt với nhiều thách thức về không gian sản xuất, môi trường làng nghề, chiến lược truyền nghề cùng mặt bằng dành cho khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm...
Để hòa nhập xu thế phát triển, làng nghề gỗ Vân Hà đã chủ động có nhiều giải pháp giữ nghề và phát triển nghề. Các hộ sản xuất tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thiết kế mẫu sản phẩm phong phú, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu khách hàng thông qua việc tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, tham gia các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thi thiết kế mẫu sản phẩm du lịch Thành phố Hà Nội và quốc gia; thi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp hàng năm.
Ngoài ra, làng nghề còn tổ chức các hoạt động định hướng, truyền dạy nghề tại chỗ cho thế hệ trẻ song song với học văn hóa tại các trường trên địa bàn. Làng nghề cũng chú trọng đẩy mạnh công nghệ 4.0 trong thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội...
Về sự phát triển làng nghề gỗ Vân Hà nói riêng và các làng nghề truyền thống của huyện nói chung, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, để tiếp tục phát huy lợi thế từ làng nghề truyền thống, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế làng nghề, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận. Ngoài ra, sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng hợp tác sản xuất; thúc đẩy phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm làng nghề.
Văn phòng nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này!
Ngô HuyNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".