Làng nghề làm Trống Đọi Tam
Mùi của da trâu thuộc, mùi của gỗ xen lẫn với mùi mồ hôi mặn chát của những người thợ đã đưa chúng tôi đến với làng nghề - làng văn hóa Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Chúng tôi đến làng nghề làm trống vào một ngày đầu hè oi ả, nhưng không khí làm việc ở đây khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ai nấy đều hăng say làm việc, người phơi da, người căng trống, người làm đai, người tiện gỗ... họ đang chuẩn bị để cho ra đời những chiếc trống, thùng rượu cung ứng cho thị trường.
Làng trống Đọi Tam xuất hiện từ rất sớm, có truyền thuyết kể rằng vào ngày mồng 7 tháng Giêng năm 987, vua Lê Hoàn cùng văn võ bá quan trong triều về cày Tịch điền trên thửa ruộng Kim ngân điền ở Đọi Sơn, bấy giờ Cụ Năng tự tay làm một quả trống to dâng vua để đánh tế lễ trước khi cày. Khi vua đánh trống, tiếng trống vang rền như tiếng sấm, vì vậy vua phong cho cụ tổ là Trạng Sấm - dựa vào tích đó, nghề làm trống ở Đọi Tam trở thành làng nghề có độ tuổi hơn nghìn năm, trải qua nhiều thăng trầm.
Cũng như các làng nghề trong cả nước, nghề làm trống Đọi Tam đã có thời tạm rơi vào quên lãng. Người ta sản xuất trống ra mà không tiêu thụ được, điều ấy làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và nền kinh tế của làng. Người dân không còn tha thiết với nghề nữa, họ mưu sinh bằng những con đường khác. Ông Thành – một nghệ nhân cao tuổi cho chúng tôi biết: "Khi làng trống rơi vào khủng hoảng, người dân nơi đây đã rất chật vật để lo cuộc sống hàng ngày. Những miếng da làm mặt trống không còn được phơi giữ cẩn thận, những thớ gỗ đẹp cũng chỉ để nhóm bếp... và người ta đổ xô đi tìm những công việc khác phù hợp, để lại làng trống trơ trọi và những người yêu nghề thật sự nuối tiếc".
Nhiều người gắn bó với nghề thì luôn trăn trở, lo lắng vì sản xuất ra không bán được, mọi người rủ nhau bỏ nghề, chỉ còn một số gia đình vì quá yêu tiếng trống, yêu nghề nên quyết theo đến cùng và họ hi vọng một ngày nào đó làng trống sẽ được hồi phục...
Và bây giờ, kể từ khi Lễ hội Tịch điền được khôi phục, không khí ở làng trống Đọi Tam khác hẳn những năm xưa. Những người trước đây phải rời bỏ nghề làm trống thì đang dần quay về và làm giàu trên chính quê hương của họ. Mỗi chiếc trống con bán cho trẻ em chơi Trung thu có giá từ ba bốn mươi nghìn đến chiếc trống trường có chiếc trị giá lên đến năm bảy triệu đồng, và trống cái có giá vài chục triệu, hay dàn trống cái trị giá hàng trăm triệu đồng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của làng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả huyện, tỉnh. Nhiều cơ sở sản xuất được thành lập để thuận tiện trong việc buôn bán và lưu giữ ngành nghề truyền thống.
Về Đọi Tam quan sát mới hiểu thấu được nghĩa của từ "trống cái" bởi trước đây, khi nghe nói đến "trống cái" thì ai cũng nghĩ là trống to, nhưng thực ra vừa là trống to mà vừa phải là "nữ giới" đánh trống thì người ta mới gọi là "trống cái".
Anh Nguyễn Thành Trung - chủ một cơ sở vừa làm, vừa bày bán trống cho biết: "Trong những tháng đầu năm là mùa của lễ hội nên chúng tôi bán hàng rất được nhất là loại trống hội, và giờ thì bán chạy trống trường, các nhà buôn từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đều đổ dồn về đây mua vì chất lượng trống ở đây tốt và nhiều mẫu mã đẹp. Giờ đây chúng tôi làm cả ngày không hết việc, các cụ cao tuổi thì vừa làm vừa truyền nghề cho các con để nối tiếp truyền thống cha ông và nâng cao thu nhập".
Ðể làm trống phải qua ba bước là làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi rồi phơi khô. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít – hoặc gỗ thường mực vì đây là loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ, hơn nữa gỗ mít đánh ít kêu nhiều. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng "dăm". Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu "dăm", cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chết. Ðinh chốt được làm từ vầu, tre già hoặc hóp đá.
Thị trường Trống Đọi Tam hiện nay không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Trống Đọi Tam được ưu ái và khách hàng đón nhận bởi ngoài chất lượng của tiếng trống kêu hay và vang xa thì về chủng loại cũng rất phong phú, phù hợp với nhu cầu của khách hàng nhiều nước Châu Á. Thợ làng Ðọi Tam cũng làm đủ các loại trống như trống dùng trong đình chùa, trống hội, trống chèo, trống trường, trống Trung thu...
Ngày nay tại làng Đọi Tam có gần 100 cơ sở sản xuất trống và nhiều cơ sở đã sản xuất cả thùng rượu. Họ đã nhập gỗ sồi từ các nước Châu Âu về, lựa chọn kỹ càng từng thanh gỗ rồi uốn khung thùng theo một khuôn mẫu, sau khi uốn và định hình được thùng gỗ sồi người ta đem đốt lửa bên trong ruột thùng khoảng hơn nửa tiếng để định hình khung thùng rượu và đặc biệt là có mùi sồi rất thơm. Sau đó đóng nắp và đai thùng theo rất nhiều mẫu mã thùng rượu sang trọng với đủ loại kích cỡ đựng rượu từ 20 lít, 30 lít, 50 lít, 100 lít, 200 lít, 300 lít. Như Công ty TNHH TM và SX đồ gỗ Tố Giang ở xóm 8 thôn Đọi Tam thì ngoài làm thùng rượu ra còn làm cả các sản phẩm như bồn tắm bằng gỗ v.v.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc khôi phục các làng nghề Việt Nam, những hi vọng của người dân làng trống nay đã trở thành hiện thực và tiếng trống của làng Đọi Tam ngày càng bay bổng, vang xa như tiếng Trạng Sấm thuở nào.
Nhật ThăngDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.